Hệ thống viễn thám Việt Nam: Cơ hội và thách thức

15/12/2015 00:00

(TN&MT) - Ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng… là 1 trong 3 hợp phần quan trọng của hệ thống viễn thám. Hệ thống viễn thám Việt Nam hiện có nhiều cơ hội và thách thức trong phát triển bền vững dù có những bước phát triển nhanh chóng và tích cực trong 10 năm trở lại đây.

Cộng đồng viễn thám mở ra bước tiến mới trong ứng dụng viễn thám

Công nghệ viễn thám được đưa vào và ứng dụng ở Việt Nam từ rất lâu, việc ứng dụng công nghệ này có thể được chia làm 2 giai đoạn, trước năm 2006 và sau năm 2006 thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020.

Giai đoạn trước năm 2006, việc dụng viễn thám được diễn ra ở nhiều ngành lĩnh vực. Tổng cục Khí tượng với sự hỗ trợ của Liên Xô đã sử dụng ảnh chụp mây vệ tinh trong nghiệp vụ dự báo thời tiết. Trung tâm Viễn thám thuộc Cục Bản đồ Nhà nước sử dụng ảnh chụp từ vệ tinh của Liên Xô để hiện chỉnh bản đồ. Công việc chuyên môn đầu tiên là nghiên cứu, sử dụng ảnh hàng không để hiện chỉnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1: 25.000 khu vực Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian này Viện Điều tra và Quy hoạch rừng với sự giúp đỡ của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) sử dụng ảnh vệ tinh Landsat MSS vào công tác điều tra đánh giá tài nguyên rừng.

Đoàn công tác Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thăm quan Trạm thu ảnh viễn thám (Cục Viễn thám quốc gia)
Đoàn công tác Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thăm quan Trạm thu ảnh viễn thám (Cục Viễn thám quốc gia)

Mặc dù nhiều ngành và lĩnh vực ứng dụng thành công công nghệ viễn thám trong công việc của mình, tuy nhiên, có thể thấy việc ứng dụng công nghệ này là hết sức riêng rẽ, hầu như không có sự liên kết, trao đổi công việc công nghệ với nhau, hay nói cách khác là ở giai đoạn này chúng ta chưa hình thành được một cộng đồng ứng dụng viễn thám. Các cơ quan thuộc lĩnh vực viễn thám đã được hình thành, tuy nhiên, chưa thực sự rõ nét là một cơ quan độc lập đúng nghĩa mà nhìn chung chỉ ở mức độ là các cơ quan nghiệp vụ phụ trợ trong các ngành là lĩnh vực khác ngoại trừ Trung tâm Viễn thám trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau năm 2006, nhiều cơ quan chuyên biệt về viễn thám được thành lập, ngoài Trung tâm Viễn thám quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam thành lập Viện công nghệ vũ trụ (năm 2006), Trung tâm Vệ tinh quốc gia (năm 2011). Đến năm 2013, Cục Viễn thám quốc gia chính thức được thành lập đánh dấu viễn thám chính thức có cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Việc Chính phủ đầu tư dự án “Xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam”, trong đó, thiết lập 17 đầu mối của các cơ quan nghiên cứu và ứng dụng công nghệ viễn thám. Có thể nói, việc thành lập hàng loạt các cơ quan chuyên biệt về viễn thám giai đoạn này đã hình thành được một cộng đồng ứng dụng viễn thám. Từ đây, các ứng dụng viễn thám đã được mở rộng ra nhiều ngành và lĩnh vực. Viễn thám đã được sử dụng khá rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường, ngành NN&PTNT như quản lý tài nguyên rừng, nông nghiệp, phòng chống thiên tai và an ninh quốc phòng. Đặc biệt, trong thời kỳ này, đối với nhiều nhiệm vụ, viễn thám đã trở thành công nghệ được sử dụng thường xuyên và không thể thay thế như công tác kiểm kê đất đai, công tác điều tra đánh giá tài nguyên rừng, công tác hiện chỉnh, cập nhật bản đồ.

Ứng dụng viễn thám giám sát TNMT, thiên tai ở Việt Nam: Nhiều thách thức

Trở ngại đầu tiên trong phát triển viễn thám ở nước ta đó là việc thiếu vắng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực viễn thám cụ thể là Luật hoặc Nghị định và các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn. Ảnh hưởng đầu tiên của vấn đề này đó là thiếu các căn cứ pháp lý cho việc triển khai ứng dụng và phát triển viễn thám.

Có thể thấy, hầu hết các đề án và dự án Chính phủ hiện nay có liên quan đến phát triển viễn thám đều bám vào Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020. Song, trong Chiến lược này viễn thám chỉ là một hợp phần khá khiêm tốn của công nghệ vũ trụ. Việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật sẽ cản trở việc xây dựng các dịch vụ công thuộc lĩnh vực viễn thám.

Năm 2013, Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 lên quỹ đạo và sắp tới có thể có một vài vệ tinh nữa. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn có những băn khoăn về tính hiệu quả và việc khai thác hiệu quả các vệ tinh này. Thực tế, trên thế giới không nước nào chỉ sử dụng dữ liệu chụp từ chỉ vệ tinh của mình để đảm bảo nhu cầu về dữ liệu cho người sử dụng. Ngay cả nước có công nghiệp vũ trụ phát triển như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều mua thêm dữ liệu từ vệ tinh của các nước khác. Như vậy, có thể thấy, chiến lược và quy hoạch phát triển hệ thống vệ tinh viễn thám là hết sức quan trọng, nó xác định số lượng, thuộc tính kỹ thuật của các vệ tinh đưa lên quỹ đạo để có thể khai thác hiệu quả nhất.

Vệ tinh viễn thám - Hệ thống viễn thám Việt Nam
Vệ tinh viễn thám - Hệ thống viễn thám Việt Nam

Về hệ thống thu nhận xử lý và cung cấp dữ liệu viễn thám, hiện chúng ta đã có một trạm thu viễn thám hiện đại và đang thu nhận dữ liệu từ vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam. Trên thực tế, việc chỉ thu nhận dữ liệu từ duy nhất vệ tinh nhỏ này thì chỉ đáp ứng được nhu cầu về dữ liệu khoảng 20% đến 30%.

Bên cạnh đó, việc quản lý và khai thác hiệu quả dữ liệu cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Mặt khác, để làm được việc này chúng ta cần phải xây dựng một cơ sở dữ liệu viễn thám hiện đại đủ khả năng lưu trữ và cung cấp dữ liệu trực tuyến. Vệ tinh viễn thám thường được thiết kế với tuổi thọ trên quỹ đạo khoảng 5 đến 10 năm. Dữ liệu thu nhận được thu nhận và lưu trữ trực tiếp tại trạm thu ảnh, và hệ thống này thường có cấu hình hết sức phức tạp nên kinh phí bảo hành và duy trì hoạt động rất cao. Như vậy, việc sao chép và lưu trữ dữ liệu thu nhận được trên hệ thống cơ sở dữ liệu viễn thám là giải pháp cần cân nhắc để có thể lưu trữ dữ liệu sử dụng lâu dài với chi phí chấp nhận được.

Tiến sỹ Trần Tuấn Ngọc

(Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống viễn thám Việt Nam: Cơ hội và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO