Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai: Bài 1: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân

Trường Giang| 08/12/2020 15:37

(TN&MT) - Thời gian qua việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành Quản lý đất đai, thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, thời gian thực hiện thủ tục hành chính giảm, tiến độ cấp Giấy chứng nhận tăng đáng kể. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức được tiếp cận với hệ thống tổ chức chuyên nghiệp, thuận lợi và linh hoạt khi có nhu cầu thực hiện các giao dịch về đất đai...

59/63 tỉnh thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai

Ông Phạm Ngô Hiếu, Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết, đến nay, cả nước đã có 59/63 tỉnh đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở TN&MT với 656 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trên phạm vi 667 đơn vị hành chính cấp huyện.

Văn phòng Đăng ký đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: MH

Về cơ bản, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện đều có một Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai; riêng TP. Hà Nội có một chi nhánh thành lập và hoạt động theo khu vực (quản lý 3 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình), Hà Tĩnh có 6/7 chi nhánh hoạt động theo mô hình liên huyện; huyện đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị không có Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai; TP. Lai Châu không thành lập Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, các nhiệm vụ tại TP. Lai Châu do Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lai Châu thực hiện.

Đặc biệt, hiện nay có 54/63 tỉnh, thành phố đang sử dụng hình thức trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế để xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính bằng các hình thức trao đổi thông qua các hình thức đơn giản như email, truyền file...

Bên cạnh đó, đã có 11/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, liên thông, trao đổi thông tin điện tử xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, đối với người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân giữa cơ quan thuế với cơ quan tài nguyên và môi trường (đã triển khai được 90 huyện). Ngoài ra, Hà Nội, Hải Phòng thực hiện liên thông thuế bằng hình thức gửi thư công vụ.

Qua thực hiện Văn phòng, đã có một số địa phương có nguồn thu trong 2 năm qua đạt cao như: TP. Hà Nội 354,2 tỷ đồng, Bình Dương 404,2 tỷ đồng, Bình Phước 292,4 tỷ đồng, Đồng Nai 348,3 tỷ đồng... Các khoản thu phí được để lại cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai sử dụng gồm phí khai thác tài liệu đất đai; phí đăng ký giao dịch bảo đảm; lệ phí cấp Giấy chứng nhận (trước đây là lệ phí địa chính, nay là phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận...

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ nguồn thu phí được để lại cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai đạt cao qua 2 năm (2018 - 2019) như TP. Đà Nẵng đạt trên 73 tỷ đồng, TP. Hà Nội trên 55 tỷ đồng, Khánh Hòa trên 45 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu trên 40 tỷ đồng, Tiền Giang trên 29 tỷ đồng.

Đến nay cả nước còn 4 tỉnh chưa thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai là: Quảng Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Điện Biên.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Thực tế, khi triển khai Văn phòng Đăng ký, thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cơ bản được bảo đảm đúng quy định; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đã giảm từ 5 - 25 ngày so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90 - 95% so với quy định, tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt.

Đối với những địa phương chưa thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai, số lượng thủ tục hành chính phải thực hiện là 62 thủ tục, trong khi đó các địa phương thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai có một số thủ tục hành chính đã được lồng ghép hoặc liên thông nên chỉ còn 41 thủ tục, giảm 21 thủ tục.

Chỉ trong 2 năm (2018 và 2019), tổng số lượt cung cấp thông tin đất đai cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu là 0,4 triệu lượt. Việc cung cấp thông tin đã được đa dạng hơn, thực hiện qua nhiều phương thức khác nhau để người dân, tổ chức dễ dàng tiếp cận với thời gian nhanh, chi phí rẻ như các hình thức qua SMS, qua mạng xã hội, qua trang Web của các địa phương.

Điều này đã khẳng định Văn phòng Đăng ký đất đai ngày càng hoàn thiện hơn về điều kiện cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tăng nguồn thu cho hệ thống thông qua việc cung cấp thông tin.

Ngoài ra một số Văn phòng Đăng ký đất đai còn thực hiện dịch vụ cung cấp thủ tục hành chính tại nhà theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp đã nhận được phản hồi tích cực từ các tổ chức, cá nhân.

Theo kết quả tổng hợp của 56 tỉnh, thành phố (một số tỉnh, thành phố báo cáo không đầy đủ) thì số lượng giao dịch đã giải quyết (đăng ký giao dịch bảo đảm, chuyển quyền, cấp mới, cấp đổi, cấp lại...) trong 2 năm 2018 - 2019 là khoảng 7,7 triệu hồ sơ; trong đó, năm 2018 đã giải quyết được 3,4 triệu hồ sơ/56 tỉnh (trung bình hơn 61 nghìn hồ sơ/tỉnh/năm); năm 2019 đã giải quyết gần 4,0 triệu hồ sơ/56 tỉnh (trung bình 69 nghìn hồ sơ/tỉnh/năm).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai: Bài 1: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO