Nói một cách văn hoa qua lăng kính thi ca, đất là điểm tựa của muôn vạn khởi đầu. Một hạt giống, một mùa màng, một lưu vực, một bước đi, một bay lên… không thể không từ đất. Nơi phì nhiêu màu mỡ, nơi cằn cỗi xác xơ, khi vững chãi yên bình, khi chao lắc biến động… nhưng bao giờ đất vẫn là cái nôi cuộc sống. Cái nôi lớn nhất của chung nhân loại mang tên Trái Đất. Cái nôi lớn nhất của mỗi quốc gia mang tên Đất Nước.
Đứng ở góc nhìn địa lý, thổ nhưỡng, đất, đất đai là các vật chất nằm trên bề mặt trái đất, là môi trường sinh sống của động thực vật và con người. Sâu hơn nữa, từ góc nhìn địa chính trị, xã hội Việt Nam, đất đai là tài sản quốc gia, như Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) quy định: Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Và nếu gắn đất vào nền văn hóa, thì đất là một trong ba chân kiềng khởi tạo thành công với quan niệm của người Việt Nam: Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa.
Ảnh minh họa |
Xưa đã vậy mà nay cũng vậy. Những người đứng đầu quốc gia luôn lấy cân bằng, ổn định làm thế đứng cho phát triển đất nước mà trong đó, ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không thể xem nhẹ vai trò của đất đai. Xưa đất đai được quản lý qua hương ước, lệ làng; từ Cách mạng Tháng Tám thành công đến khi Luật Đất đai ra đời năm 1987 đến nay cũng đã từng qua nhiều cuộc vặn chuyển mình. Trên quan điểm đường lối chủ trương của Đảng và dựa trên tình hình thực tiễn của mỗi thời kỳ, giai đoạn, việc nhìn lại, tổng kết, đánh giá thực tiễn và sửa đổi bổ sung Luật Đất đai cũng là điều tất yếu với mục tiêu cốt lõi cuối cùng là phát triển đất nước đi đôi với hợp lòng dân.
Gần đây nhất, Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới gắn với thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đã mang lại những kết quả hết sức tích cực, khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, nhìn lại 8 năm thực hiện Luật Đất đai 2013 theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Đảng, chính sách pháp luật đất đai còn chồng chéo, nhiều kẽ hở; năng lực quản lý Nhà nước và chất lượng nguồn nhân lực ở một số nơi còn yếu; công cụ quản lý chưa bắt kịp hiện đại… Đặc biệt, tham nhũng, chiếm dụng, tiếm lộng quyền sở hữu, xoay nắm cán cân đất đai, làm xiếc giá... đã gây ra nhiều hậu quả đau lòng, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và suy suyển niềm tin của nhân dân.
Và đất, như một cơ thể khuyết tật trước lòng tham và bàn tay thô bạo của một số con người. Cho dù vồn vã đón chào hay lạnh lùng bỏ hoang, không phải lúc nào con người cũng hiểu được nỗi cô đơn của đất. Cô đơn, không chỉ là bị bỏ hoang, giống như một cô gái đẹp quá lứa nhỡ thì, mà cô đơn còn được hiểu rằng: Con người hành xử không lắng nghe tiếng đất.
Đất tha thiết mong con người hiểu lòng mình. Đất cần con người minh định trong xác lập chủ thể tài nguyên. Vậy nên, cuộc Tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai đang diễn ra trên diện rộng được xem như cuộc tổng kết về sự trân trọng, đồng điệu của con người với đất, để hàn lại những vết thương và lấp đầy nỗi hoang hoải cô đơn; để ai ai cũng thấm thía một chân lý rằng, đất, vượt lên trên cả những giá trị kinh tế, ở tầm quốc gia, văn hóa và chủ quyền, từng tấc đất của ông cha để lại là tài sản vô giá không gì đánh đổi được, là mạch linh thiêng huyền bí tỏa rộng vươn dài, nhào nặn nên tâm hồn, cốt cách Việt Nam.