Nhiều thành tựu nổi bật
Năm 2022, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó, nổi bật nhất là tăng trưởng GRDP đạt 13,94%, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ tư trên toàn quốc, qua đó, góp phần đưa GRDP bình quân đầu người đạt 65,89 triệu đồng/người, tăng 21,43% so với năm 2021. Các khu vực kinh tế nông lâm, thủy sản, công nghiệp, thương mại - dịch vụ đều có mức tăng trưởng tốt.
Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang cũng đã hoàn thành quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá với quan điểm “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm”. Quy hoạch này sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là khai thác tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, sớm đưa Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang tập trung huy động các nguồn lực thực hiện chương trình an sinh xã hội. Năm 2022, địa phương đã vận động hơn 330 tỷ đồng chăm lo gia đình khó khăn, hỗ trợ thoát nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau trong phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn lực xã hội còn chăm lo việc học cho học sinh khi ủng hộ gần 50 tỷ đồng vào xây dựng, sửa chữa trường học, quỹ khuyến học, khuyến tài ươm mầm tri thức.
Song song với đó, công tác quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trong năm 2022, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, đề án phục vụ thiết thực cho công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu; thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công bố công khai quy hoạch sử dụng đất các công trình, dự án trọng điểm, giải phóng mặt bằng giao đất theo quy định”.
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng triển khai các chương trình, dự án về xử lý rác thải trong cộng đồng, mô hình thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình tiếp tục được nhân rộng tại các địa phương; Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Hậu Giang tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch đạt 97%, nông thôn đạt 88,95%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt ở đô thị và nông thôn được thu gom và xử lý đạt 90%;…
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2023, tỉnh Hậu Giang đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng; tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch đạt 98%, nông thôn 89%; 92% lượng rác thải phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý;…
Để hoàn thành các chỉ tiêu này, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, hiện nay, tỉnh Hậu Giang đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, trong đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, phục hồi sản xuất kinh doanh, ưu tiên các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, khu công nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ, chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch.
Đồng thời, tăng cường thực hiện quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các đô thị để nâng cao hiệu quả quản lý và kêu gọi đầu tư phát triển; đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng chất các tiêu chí của các đồ thị; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, hiện đại.
Đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, theo kế hoạch trong năm 2023, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, ô nhiễm và phân hạng đất lần đầu; xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000 và tỷ lệ 1:5.000 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo nguồn lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang phát triển bền vững.
Cùng với đó, thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước đã được phê duyệt; thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt; lập bản đồ đặc trưng tài nguyên nước mặt, đánh giá diễn biến theo từng giai đoạn đối với sông nội tỉnh; đầu tư vùng sản xuất gắn với các mô hình sinh kế nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường, triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nước sạch, trạm xử lý nước thải, nhất là tại các khu công nghiệp, khu dân cư, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở các trung tâm đô thị; nâng cấp các trạm cấp nước đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân; tổ chức vận hành hiệu quả các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục để giám sát chặt chẽ nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.