Hậu Giang: Tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường
(TN&MT) - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, các ngành, người dân quan tâm triển khai thực hiện, góp phần hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng ổn định, bền vững.
Nâng cao công tác quản lý, kiểm soát môi trường
Theo Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, môi trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, do đó, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã tăng cường công tác quản lý thông qua việc triển khai đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường, đặc biệt là những quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương để đáp ứng kịp thời những yêu cầu về BVMT trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị... tại địa phương.
Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang cũng siết chặt công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường cho các công trình, dự án, kiên quyết không phê duyệt các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; giám sát chặt chẽ các nguồn thải qua mạng lưới quan trắc và giám sát.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trong thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương, mạng lưới quan trắc, giám sát các thành phần môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, đô thị ngày càng mở rộng. Hiện nay, tỉnh Hậu Giang có 46 vị trí quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, khí thải, 10 vị trí quan trắc cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản;... qua đó, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát nước thải, khí thải phát sinh trên địa bàn tỉnh”.
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về BVMT đối với các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về BVMT; đồng thời, xử lý triệt để 7/7 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không để phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Song song với đó, tỉnh Hậu Giang cũng tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án BVMT như Đề án Hậu Giang xanh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chương trình BVMT tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025. Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, sau 2 năm (2021 - 2022) thực hiện Đề án Hậu Giang xanh, đã có 163.774 hộ/198.451 hộ dân tiếp cận với các nội dung, quy định về BVMT, đặc biệt là các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT ở đô thị đạt 80,28%, ở nông thôn đạt 55,44%; thành lập gần 400 tổ vệ sinh môi trường ở 525 ấp, khu vực; thu gom, chuyển giao xử lý gần 20 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng,... Những kết quả đó đã góp phần cải thiện, BVMT cho khu vực đô thị và nông thôn tỉnh Hậu Giang ngày càng xanh - sạch - đẹp, bền vững.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Để góp phần BVMT hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Hậu Giang đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án. Theo kế hoạch của Đề án Hậu Giang xanh, năm 2023, địa phương phấn đấu 70% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở đô thị và 70% ở nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định;...
Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu này, từ đầu năm 2023 đến nay, các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, người dân tham gia các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
TP. Vị Thanh là trung tâm của tỉnh Hậu Giang nên công tác BVMT luôn nhận được sự quan tâm thực hiện của các cơ quan, đơn vị. Ông Nguyễn Đức Tài - Phó Trưởng Phòng TN&MT TP. Vị Thanh cho biết: Thời gian qua, hầu hết lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị đã được người dân thu gom và được đơn vị công ích vận chuyển xử lý triệt để, còn ở khu vực nông thôn, tỉ lệ thu gom cũng mới chỉ đạt gần 70%. “Nhằm giúp TP. Vị Thanh nâng cao tỉ lệ thu gom rác thải, nhất là ở khu vực nông thôn, vừa qua, tỉnh đã hỗ trợ thành phố tổng cộng 142 xe mini thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và vỏ chai, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Số lượng phương tiện này sẽ góp phần giúp thành phố thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về tỉ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn theo mục tiêu mà Đề án Hậu Giang xanh đã đặt ra trong năm 2023”.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương TP. Vị Thanh cũng đang thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn, góp phần BVMT. Cũng như nhiều người dân khác, trước đây, do chưa hiểu hết những mặt tích cực của việc phân loại rác thải, bà Nguyễn Thị Hoa, ở khu vực 1, phường 1, TP. Vị Thanh thường gom tất cả rác thải phát sinh trong gia đình bỏ vào một bọc và mang ra xe chở rác. Tuy nhiên, sau khi tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức về BVMT, bà Hoa biết những lợi ích mang lại của việc phân loại rác.
“Từ đầu năm 2023 đến nay, tất cả rác thải phát sinh hàng ngày tôi đều phân loại bỏ vào các túi riêng. Hành động này sẽ góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí cho việc thu gom, vận chuyển và còn mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình từ việc bán rác thải tái chế, tái sử dụng” - bà Hoa vui vẻ cho biết.
Sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, địa phương cũng như sự tham gia hưởng ứng tích cực các phong trào BVMT của nhân dân sẽ là đòn bẩy giúp tỉnh Hậu Giang sớm hoàn thành các mục tiêu về BVMT, phát triển kinh tế xanh, bền vững.