Hội đồng Giáo xứ họ đạo Phụng Tường luôn phối hợp chặt với chính quyền địa phương (ấp Xẻo Môn, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp) đến từng hộ gia đình tuyên truyền về tác hại của rác và hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải đúng quy định. Trên tuyến đường Đất Thánh hơn 1km có 60 hộ dân sinh sống, trong đó có 40 hộ Công giáo, sau khi được tuyên truyền, người dân đã thấy được việc BVMT xanh, sạch, đẹp là trách nhiệm.
Chị Phạm Thị Thu Oanh, thuộc họ đạo Phụng Tường, cho biết ở Nhà thờ, trong mỗi tuần đi lễ, Cha đều tuyên truyền cho chúng tôi về BVMT, rồi chính quyền địa phương cũng đến nhà phổ biến. Qua đó, tôi đã biết phân loại rác nào đốt được, rác nào giữ lại ủ làm phân…
Còn em Nguyễn Tuấn Tài, cũng thuộc họ đạo Phụng Tường, cho biết: “Ý thức được việc BVMT nên chúng con quan tâm vận động các bạn bảo vệ cây xanh, không vứt rác bừa bãi và nếu đi ở những nơi công cộng mà thấy rác thì sẽ lụm để bỏ vào thùng rác”.
Toàn họ đạo Phụng Tường có hơn 100 lò đốt rác mini theo hộ gia đình được giáo dân tự trang bị với chi phí khoảng 120.000 đồng/lò, đều mang lại hiệu quả cao trong giải quyết rác thải nông thôn.
Còn ở Tòa thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, ngoài vận động tín đồ phát triển kinh tế, Tòa thánh còn thành lập Câu lạc bộ xây dựng nông thôn mới. Định kỳ nửa tháng hoặc theo công tác của địa phương, Câu lạc bộ tổ chức cắt tỉa hàng rào, trồng mới và tưới hoa kiểng ở các tuyến đường chính trên địa bàn.
Ông Hồ Văn Vũ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A) thông tin: “Bà con đã làm tốt việc phân loại rác, xử lý rác, trồng hoa kiểng và hộ này tuyên truyền đến các hộ khác, tạo được phong trào chung, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của xã”.
BVMT cũng được tín đồ Phật giáo trong tỉnh thực hiện hiệu quả. Hàng tháng, cứ vào ngày rằm và 29 Âm lịch, phật tử tập trung về chùa Bảo Tịnh, ở phường VII, TP.Vị Thanh, để nghe tuyên truyền về tác hại của rác thải bừa bãi cũng như cách BVMT sống.
Theo Đại đức Thích Quảng Nguyên, Trụ trì chùa Bảo Tịnh, trước khi tuyên truyền thì khuôn viên chùa phải sạch sẽ, thông thoáng, trong lành thì phật tử mới thật sự tin và thực hiện theo. Lúc đầu, chúng tôi tuyên truyền rất khó vì đó là thói quen của bà con và phật tử. Sau đó, họ dần hiểu rồi thực hiện khá tốt…
Phát huy kết quả đạt được, tại buổi mít tinh Tháng hành động Vì môi trường năm 2018, bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, đề nghị: “MTTQ cấp huyện, xã trong tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của các tầng lớp nhân dân về BVMT.
Với mục tiêu 80% hộ dân được tuyên truyền, ít nhất 40% hộ có một hành động cụ thể BVMT; đồng thời, có sự giám sát việc thực thi pháp luật về BVMT tại địa phương mình sinh sống; phát động hội thi “Tôn giáo với môi trường xanh gắn giảm nghèo bền vững”, mục tiêu là mỗi xã, phường, thị trấn có cơ sở thờ tự phải có ít nhất một mô hình do Mặt trận phối hợp cùng tôn giáo thực hiện…”.
Môi trường gắn với giảm nghèo bền vững - Mục tiêu này đang được Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Hậu Giang triển khai nhân rộng, tạo thành phong trào thi đua chung, đặc biệt cán bộ Mặt trận trong tỉnh đang chọn khâu đột phá là phát huy tối đa vai trò của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trong tuyên truyền, vận động và xây dựng mô hình BVMT.