Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp nơi trên thế giới. Tổ chức môi trường Greenpeace (Hòa bình xanh) khu vực Đông Nam Á và Công ty đo lường chất lượng không khí IQAir mới đây đã đo mức độ ô nhiễm ở 28 thành phố.
Kết quả cho thấy tại 5 thành phố đông dân nhất là New Delhi (Ấn Độ), Mexico City (Mexico), Sao Paulo (Brazil), Thượng Hải (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản).
Các thành phố đông dân ở châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nguyên nhân chính bao gồm khí thải xe cộ, nhà máy điện than, xây dựng, pháo hoa, phá rừng. New Delhi có số người chết cao nhất trong số 5 thành phố đông dân nhất, với khoảng 54.000 người, tức cứ 500 người thì có 1 người chết vì ô nhiễm không khí.
Ước tính mới đây cho thấy rằng, 9/10 người dân phải hít thở không khí chứa hàm lượng các chất gây ô nhiễm cao. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí được coi là một kẻ giết người vô hình, thầm lặng.
Ảnh minh họa |
Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về chất lượng không khí được xây dựng trên cơ sở đánh giá của các chuyên gia về các bằng chứng khoa học hiện có và được áp dụng rộng rãi. Thật không may, 91% dân số toàn cầu hiện đang sống ở những nơi mà chất lượng không khí chưa đáp ứng với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ngay như suốt một năm qua, người ta cứ nghĩ việc phong tỏa, hạn chế đi lại do đại dịch covid-19 sẽ làm giảm mức độ ô nhiễm không khí. Nhưng sự thật chưa hẳn là thế. Aidan Farrow, nhà khoa học về ô nhiễm không khí tại phòng nghiên cứu Greenpeace ở ĐH Exeter của Anh, cho rằng, điều này “không thực sự làm giảm mức độ ô nhiễm không khí dài hạn mà mọi người phải tiếp xúc". Theo chuyên gia Farrow, phong tỏa chỉ mang lại sự thay đổi trong giao thông đường bộ, hàng không… còn các nguồn ô nhiễm chính vẫn hoạt động như trước đây.
Ở Việt Nam, ngày 20-2-2021, theo trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, nhiều tỉnh, thành phố thuộc miền Bắc có chỉ số chất lượng không khí (AQI) màu đỏ - ở mức xấu; (màu cam - ở mức kém; màu vàng - ở mức trung bình).
Thực tế cho thấy, chất lượng không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam đang trở nên xấu đi trong những năm qua, vì vậy, đây là lúc cần phải triển khai thực hiện kế hoạch hành động quyết liệt hướng đến không khí sạch và cải thiện sức khỏe của người dân.
Mới nhất, Cần Thơ là thành phố lớn thứ tư của Việt Nam, thành phố lớn nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã xây dựng được Kế hoạch hành động Không khí sạch (CAAP) – năm 2019, trong đó đưa ra ưu tiên quan trắc chất lượng không khí và cắt giảm các nguồn phát thải chính, đặc biệt là giao thông và công nghiệp.
Cần Thơ cũng là thành phố đầu tiên của Việt Nam đã gia nhập mạng lưới các thành phố BreatheLife - “Hơi thở cuộc sống”. Breathelife là một mạng lưới đang ngày càng lớn mạnh với sự tham gia của các thành phố, các khu vực và các quốc gia trong việc đồng lòng cam kết mang lại chất lượng không khí an toàn tới năm 2030 và cùng hợp tác triển khai các giải pháp không khí sạch nhằm đạt được mục tiêu này năm 2030.
Quyết định hết sức can đảm của Cần Thơ trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam đối mặt với thách thức trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đòi hỏi phải có cam kết chính trị cao, xứng đáng có được sự ghi nhận của Chính phủ.
Theo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, không khí sạch có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và đời sống hàng ngày của con người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới tất cả chúng ta, và chính phủ các nước cần thực hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc kiểm soát phát thải khí một cách quyết liệt, đặc biệt trong giai đoạn có ô nhiễm nghiêm trọng.
Các nguồn ô nhiễm không khí cần được xác định thấu đáo và cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo không khí sạch. Cần có sự phối hợp của các nhà hoạch định chính sách từ cấp địa phương, đến cấp Trung ương và quốc tế. Điều này có nghĩa là, ngay cả trong giai đoạn ô nhiễm không khí thấp, các cơ quan chức năng vẫn cần phối hợp cùng nhau phòng ngừa ô nhiễm không khí ngay từ nguồn, đảm bảo không khí sạch.
Đã không còn bước lùi hay chần chừ, bây giờ chính là lúc cần hành động quyết liệt vì không khí sạch và vì sức khỏe cộng đồng.