Hàng vạn người “xoa” Đại hồng chung lớn nhất vùng Tây Bắc

02/02/2014 00:00

(TN&MT) - “Đại hồng chung” lớn nhất vùng Tây Bắc của Tổ quốc đã được hàng chục nghìn lượt người đi lễ dùng tiền “xoa” lấy may.

   
(TN&MT) -  “Đại hồng chung” lớn nhất vùng Tây Bắc của Tổ quốc đã được hàng chục nghìn lượt người đi lễ dùng tiền “xoa”lấy may. Suốt trong đêm giao thừa cho đến ngày mùng 1, mùng 2 âm lịch, chùa Hòa Bình Phật Quang đông nghẹt người đến lễ bái. Theo nhiều người dân đi lễ cho biết, lư hương ở khu tam bảo liên tục “phát hỏa” vì người thắp nhang quá nhiều. Còn ban tiếp dẫn hành lễ cho biết: Có đến cả chục ngàn người kéo về lễ phật, dâng hoa, cầu may ở đây với nhiều ước mơ trong một năm mới 2014… 
   
Sư thầy Thích Trí Thịnh đánh “Đại Hồng Chung” mong ước nhân dân sống trong thái bình,
ấm no, hạnh phúc.
   
Chuông lớn, chùa to
   
  Chia sẻ, Đại đức Thích Đức Nguyên - Trụ trì chùa Hòa Bình Phật Quang cho biết: Quả chuông đặt tại chùa Phật Quang là 1 trong 3 quả chuông lớn nhất Việt Nam. Theo đó, “Đại Hồng Chung” tại “Hòa Bình Phật Quang tự” có chiều cao gần 3m, đường kính rộng gần 2m được đặt vững chãi trên sân Chùa Thượng trong quần thể văn hóa chùa – đền của tỉnh Hòa Bình.  Vừa qua, quả chuông này được một doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ, xây tặng một tháp chuông nên đã treo và an vị vững chãi.
   
  Chia sẻ cách đánh chuông, Trụ trì Thích Đức Nguyên cho biết: “Trước khi đúc quả chuông “khủng” này, mọi người dự kiến mỗi vồ đánh chuông có độ ngân từ 35 - 45 giây là đạt yêu cầu, nhưng nay mới đánh thử bằng vồ thường mà tiếng ngân đã dài đến hơn 1 phút. Như vậy việc đúc chuông đã thành công vượt cả sự mong đợi của những người kỳ vọng”. Bởi vậy, nhà chùa cũng quy định rõ ràng giờ đánh chuông theo lịch cụ thể. Buổi sáng, chiều, tối đều có người đánh cẩn thận để nhân dân biết được giờ giấc…
   
Lượng người kéo về chùa Hòa Bình Phật Quang tăng đột biến.
    
   
  Theo xác định của phóng viên, cho đến nay, quả chuông được xem là kỷ lục Đông Nam Á là quả chuông đặt tại Chùa Bái Đính (Ninh Bình) nặng khoảng 20 tấn. Đứng thứ hai trong “bảng xếp hạng” là quả chuông ở Chùa Cổ Lễ (Nam Định) nặng khoảng 9 tấn và quả chuông thứ 3 trong bảng xếp hạng chính là quả chuông nặng khoảng 5 tấn ở chùa Hòa Bình Phật Quang (tỉnh Hòa Bình). Tuy nhiên, nếu so với các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc thì “Đại hồng chung” của Chùa Hòa Bình Phật Quang là đứng đầu “bảng xếp hạng”.
   
  Trao đổi với phóng viên trong những ngày đầu năm mới, bà Nguyễn Thị Vân, thư ký Ban đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Hòa Bình cho biết: năm nay thời tiết khá thuận lợi cho việc xuất hành đầu năm nên suốt từ ngày 30 (âm lịch) cho đến nay (mùng 2), người dân địa phương cũng như các địa phương khác kéo về chùa Hòa Bình phật quang chiêm bái và thắp hương cầu may là khá đông. Nhiều lúc lối lên bị tắc nghẽn do quá đông.
   
  Theo nhiều người dân địa phương chứng kiến việc đúc “Đại hồng chung” này kể lại: tại sân chùa Thượng, nơi “nổi lửa” đúc chuông đã được các người thợ tài hoa xếp chảo nấu suốt mấy ngày. Lúc nấu đồng, đã có rất nhiều người đã cung tiến vàng, bạc, đồng, tiền xu… cho vào nồi nấu để mong muốn bày tỏ lòng thành cũng như hy vọng tiếng chuông sẽ to, rõ và ngân nga hơn.
   
Người dân đến cung tiến để xây dựng Đền – Chùa
    
   
Còn nhiều việc phải làm
   
  Hòa Bình là tỉnh miền núi ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có trục đường quốc lộ 6 đi qua, là điểm giao lưu kinh tế với Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 7 dân tộc anh em Mường, Kinh, Thái, Tày Mông, Dao, Hoa cùng chung sống.

  Người dân Hòa Bình chất phác, cần cù, mến khách, cùng với các lễ hội, truyền thống văn hóa phong phú làm cho Hòa Bình luôn là điểm đến hấp dẫn với khách thập phương. Về kinh tế ngày một tăng trưởng, văn hóa xã hội phát triển tốt, an ninh quốc phòng được giữ vững. Phật giáo đã có mặt rất sớm ở Hòa Bình. Các di tích, dấu vết còn lại ở các chùa như  Chùa Thông xã Tú Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình, còn có Chùa An Linh xã Yên Bồng, Huyện Lạc Thuỷ có niên đại từ thời Trần và trước nữa. Hiện tại trong tỉnh có 40 ngôi chùa nhưng duy nhất hiện nay chỉ có chùa Hòa Bình Phật Quang là dưới sự quản lý của Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam. Chính Giáo hội này duy nhất có quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Đức Nguyên làm trụ trì ngôi chùa và số tiền bỏ ra xây dựng chùa là của nhân dân và sư thầy Nguyên đi vận động, công đức từ những người có tâm.
   
Khu Đền thờ các thánh lúc nào cũng đông nghẹt người
    
   
  Chia sẻ tâm nguyện với phóng viên, sư thầy Thích Trí Thịnh, người đang trông coi ngôi chùa cho biết: kế hoạch của Ban đại diện Phật giáo là sau khi ngôi chùa được xây dựng xong, hàng năm trụ trì, Đại đức Thích Đức Nguyên sẽ mở các lớp tu cho thanh, thiếu niên học sinh và nhân dân để mọi người có điều kiện vào chùa học tập các lớp giáo lý về đạo phật, về đạo đức làm người, tính hướng thiện, khát vọng sống...
   
Các cô gái đang cầu duyên
    
   
  Được biết: “Hòa Bình Phật Quang Tự” có diện tích rộng 5ha, nằm trọn vẹn trên cả một khu đồi, cây xanh bao phủ, nằm bên cạnh dòng sông Đà trong xanh, uốn lượn. Chùa được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu gỗ, đá, bê tông với 3 chùa chính chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Đến nay, đã xây dựng xong cơ bản ngôi chùa thượng với nhiều nét độc đáo. Trong quần thể chùa, hàng loạt các khu văn hóa khác như Đền Mẫu, Tam Quan, nơi hành lễ… cũng đều được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch và cho xây dựng.
   
Chùa Thượng đông nghịt người
    
   
  Điều lạ, Chùa Phật Quang như vậy, nhưng còn lại các chùa khác thì đa số do Ngành Văn hóa Thể thao & Du lịch Hòa Bình hoặc chính quyền địa phương thậm chí là tư nhân quản lý. Đặc biệt là khu Lòng hồ Sông Đà. Theo tìm hiểu của phóng viên, lợi dụng sự tín ngưỡng của nhân dân về huyền thoại “Bà chúa Thác Bờ”, hay tích Thánh mẫu Thượng ngàn linh thiêng, một số hộ dân đã tìm mọi cách để được làm “chủ nhang”. Bởi vậy đã có đến 3 nơi dựng đền và tự quản lý tại đây. Hàng năm, số tiền công đức của nhân dân nhiều tỷ đồng đi đâu? Vào túi ai, đến nay chưa có lời giải. Đã đến lúc các cơ quan chức năng địa phương cần minh bạch hơn trong việc quản lý văn hóa cũng như sớm phục dựng lại “văn hóa”, làm đền cho bà chúa Thác Bờ (Thánh mẫu thượng ngàn) ở nơi đã quy hoạch để nhân dân có nơi sinh hoạt văn hóa đúng nghĩa, đúng quy định của pháp luật.
   
Lư hương trên sân chùa Thượng bỗng dưng phát hỏa
    
   
  Tiền bạc của nhân dân đóng góp sẽ được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định chứ không phải rơi vào túi của một số gia đình đang quản lý như hiện nay. Đó là bài toán mà chính UBND tỉnh Hòa Bình cũng đang “loay hoay” chưa có lời giải thích sòng phẳng với nhân dân…
   
  Bài & ảnh: Hà Nhật Lam
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng vạn người “xoa” Đại hồng chung lớn nhất vùng Tây Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO