Hàng trăm ngàn USD không cánh mà bay!

25/11/2013 00:00

(TN&MT) - Ở vụ án này, Nguyễn Thanh Huyền được xem là “cộm cán” khi ở cáo trạng truy tố Huyền tội danh “tham ô”, một tội danh mà mức án có thể tử hình.

   
(TN&MT) - Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin: Trong buổi thẩm vấn đầu tiên (chiều ngày 21/11), Hội đồng xét xử tập trung thẩm vấn Nguyễn Thanh Huyền - nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon).
   
  Ở vụ án này, Huyền được xem là “cộm cán” khi ở cáo trạng truy tố Huyền tội danh “tham ô”, một tội danh mà mức án có thể tử hình. Trong số các hành vi của Huyền dẫn tới cáo trạng qui kết tội này có phi vụ 400 ngàn USD – Khoản tiền mà Công ty TNHH xay lúa mì Việt Nam hỗ trợ phí chuyển nhượng liên doanh cho Vifon…
   
   
  Ngày 6/8/1998, Vifon đã cùng Công ty Glowland Limited (Hồng Kông) và AWB Limited (Úc) thành lập Công ty liên doanh xay lúa mì Việt Nam (trụ sở tại huyện Nhà Bè, TP.HCM). Ở công ty liên doanh này, Vifon đóng góp 30% vốn bằng quyền sử dụng 30.000m2 đất (tương đương 3 triệu USD). Liên doanh này nhanh chóng đổ vỡ vì qua khảo sát, phần đất mà Vifon đóng góp không thuận tiện cho việc xây dựng nhà máy. Ngày 20/12/2003, Công ty TNHH xay lúa mì Việt Nam chuyển nhượng phần góp vốn của Vifon cho công ty Glowland Limited (GL). Công ty GL thanh toán cho Vifon 400 ngàn USD như là phí chuyển nhượng vốn pháp định của Vifon cho công ty GL. Số tiền này thông qua Công ty TNHH xay lúa mì Việt Nam và đã chuyển cho Vi fon 2 đợt. Đợt 1 là 200 ngàn USD vào thời điểm Vifon còn 100% vốn nhà nước.
   
Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền tại tòa
    
   
  Ngày 23/9/20103, theo đề nghị của Nguyễn Bi (Tổng giám đốc Vifon), Công ty Buxton LTD (Công ty mẹ của Công ty GL) đã chuyển vào tài khoản của Công ty Vifon số tiền 200 ngàn USD, qui đổi ra tiền Việt Nam là 3,104.000.000 đồng. Đây là khoản tiền “hợp pháp” của Vifon, nhưng Huyền đã chỉ đạo hạch toán vào công nợ phải thu của khách hàng, để che giấu nguồn tiền khi quyết toán cuối năm, sau đó Huyền lập các chứng từ giả thu, giả chi chiếm đoạt khoản tiền này.
   
  Cụ thể: Ngày 6/2/2004, Huyền chỉ đạo phòng kế hoạch lập ủy nhiệm chi 10/2 đưa cho Nguyễn Bi ký thủ trưởng, Huyền ký kế toán trưởng, duyệt chi 840 triệu đồng chuyển cho Công ty bao bì Sài Gòn do ông Lê Văn Hải làm giám đốc (Hải là chồng của Huyên), nội dung chi là trả hộ tiền Tân Việt mua cổ phiếu”. Số tiền này sau đó Hải đã rút ra và chuyển cho Huyền.
   
  Trong một “phi vụ” khác, Huyền đã chỉ đạo Đàm Tú Liên và phòng kế toán lập ủy nhiệm chi chuyển cho chi nhánh Vifon tại Hà Nội 441.000.000 đồng để mua 4.410 cổ phần của nhân viên chi nhánh Hà Nội. Thế nhưng số cổ phần trên không được chuyển về công ty Vifon mà đã bán lại cho ông Trần Lập (Giám đốc Vifon tại Hà Nội). Ông Lập đã trả số tiền này cho Huyền. Cũng với “chiêu thức” mua cổ phần, Huyền còn chiếm đoạt 93 triệu đồng với nội dung mua cổ phần tại Vifon chi nhánh Vinh (Nghệ An). Ngoài ra, ngày 1/7/2004, Huyền còn chỉ đạo lập hồ sơ huy động vốn đứng tên Công ty Rolton (trụ sở ở Nga), để “rút ruột” số tiền là gần 1,8 tỷ đồng.
   
   
  Sau nhiều lần “tung chiêu” 200 ngàn USD mà Công ty TNHH xay lúa mì Việt Nam chuyển cho Vifon đợt 1 đã “bay khỏi” công ty này. Thế nhưng chưa dừng ở đó. Ngày 2/8/2004, Công ty TNHH xay lúa mì Việt Nam lại chuyển cho Vifon đợt 2 là 200 ngàn USD (trong số 400 ngàn USD có đề cập ở trên). Lần này, Huyền cũng tiếp tục “phù phép chiếm đoạt 2 lần với số tiền trên 1,6 tỷ đồng.
   
  Theo Cơ quan chức năng, trong số 400 ngàn USD mà Công ty TNHH xay lúa mì Việt Nam chuyển cho Vifon, Huyền đã chiếm đoạt gần 4,9 tỷ đồng. Với hành vi này, chúng ta chờ xem bản án mà phiên tòa dành cho Nguyễn Thanh Huyền sẽ ra sao…
   
  Bài & ảnh: Tân Châu
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng trăm ngàn USD không cánh mà bay!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO