Đoàn số 3 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam làm Trưởng đoàn, kiểm tra tại các huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy. Đoàn số 4 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành làm Trưởng đoàn, kiểm tra tại các huyện: An Dương, An Lão, Thủy Nguyên. Đoàn số 5 do Đại tá Nguyễn Văn Điệp, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố làm Trưởng đoàn, kiểm tra tại các quận: Đồ Sơn, Dương Kinh. Đoàn số 6 do Đại tá Phạm Quang Đáo, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng làm Trưởng đoàn, kiểm tra tại huyện Cát Hải.
Ngày 15/9/2018, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng ký Công điện số 13/CĐ-CT về việc phòng chống bão số 6 (Mangkhut). UBND các huyện, quận và Thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão. Thông tin tuyên truyền, thông báo diễn biến của siêu bão Mangkhut để các cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản. Tổ chức rà soát, theo dõi, kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn; quản lý chặt chẽ, không cho ra khơi đối với số tàu thuyền đã vào trú tránh trong bão số 6; gia cố, neo giữ lồng bè nuôi trồng thủy sản; kiên quyết không để người trên các tàu thuyền, lồng bè trước khi bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và trên các đảo; liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố căn cứ diễn biến của bão xác định thời điểm cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển, tạm dừng hoạt động giao thông trên cầu Tân Vũ Lạch Huyện và các cầu có tĩnh không lớn qua sông trong thời gian bão đổ bộ. Chuẩn bị sẵn sàng thực hiện phương án sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực chung cư cũ đã xuống cấp, vùng có nguy cơ ngập úng cao, khu vực có nguy cơ sạt lở. Tổ chức kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đê, an toàn phòng chống lụt bão tại công trình đang thi công, cầu tàu, bến cảng, các khu công nghiệp ven biển, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, tổ chức cắt tỉa cảnh cây tại các khu đô thị.
Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, tập trung thu hoạch các diện tích hoa màu và hải sản với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chủ động tiêu nước phòng, chống úng ngập đối với diện tích lúa đang thời kỳ làm đòng; khơi thông hệ thống thu, thoát nước khu vực nội thành. Thực hiện chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với các địa phương kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống bão theo nhiệm vụ được phân công. Các cơ quan thông tin và truyền thông tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến và ảnh hưởng của bão để các cấp, các ngành, chủ các phương tiện hoạt động trên sông, trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. Theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin; trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố.