Hải Phòng: Hội thảo thi hành các quy định về tội phạm môi trường

01/09/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 1/9/2017, tại TP. Hải Phòng, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp Hải Phòng tổ chức Hội thảo "Thực trạng tổ chức thi hành các quy định về tội phạm môi trường trên địa bàn TP. Hải Phòng".

TP. Hải Phòng là trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc với 17 Khu công nghiệp, 47 làng nghề truyền thống. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường tại Hải Phòng xuất hiện ngày càng nhiều.

Năm 2016, Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng tiến hành lập hồ sơ vi phạm hành chính 9 tổ chức vi phạm, xử phạt 1,2 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Thanh tra lập hồ sơ vi phạm hành chính 38 tổ chức, ra quyết định xử phạt 28 tổ chức với tổng số tiền lên tới 2,614 tỷ đồng.

Theo Sở Tư pháp Hải Phòng, trên địa bàn, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực chính. Trong sản xuất công nghiệp, nhiều công nghiệp, nhà máy không xây dựng hệ thống nước thải hoặc có xây dựng nhưng không vận hành, vận hành kiểu đối phó với cơ quan chức năng... Khai thác trái phép khoáng sản vẫn diễn ra phức tạp với tính chất, quy mô vi phạm đa dạng; khai thác cát sỏi xảy ra hầu hết trên các tuyến sông trên địa bàn. Trong lĩnh vực y tế, việc bảo vệ môi trường tại các bệnh viện, cơ sở y tế chưa được chú trọng, quản lý chất thải còn lỏng lẻo, hành vi mua bán chất thải bệnh viện còn diễn ra ở nhiều nơi...

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Trong 11 tội về Tội phạm môi trường được quy định trong Bộ Luật hình sự, từ năm 2013 đến nay, TAND và Viện Kiểm soát nhân dân TP. Hải Phòng mới khởi tố và đưa ra xét xử 3 vụ án/06, với 2 tội danh: "Hủy hoại rừng" và "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ".

Liên quan đến tội danh bảo vệ rừng và động vật hoang dã, hiện đã có văn bản hướng dẫn còn các tội khác về gây ô nhiễm môi trường chưa có văn bản hướng dẫn các tình tiết định tính, định lượng. Do đó, mặc dù có hành vi vi phạm xảy ra nhưng các cơ quan tố tụng không có định lượng cụ thể đánh giá nên không thể khởi tố.

Việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về tội phạm môi trường ngày càng khó khăn do phương thức, thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi. Trong các vụ án nhập khẩu là phế liệu, động vật hoang dã thì các công ty nhập khẩu có tên trong vận đơn đều từ chối nhận hàng, khẳng định hàng hóa bị gửi nhầm hoặc không ký hợp đồng với Cty nước ngoài... Các container đều được gửi từ các công ty nước ngoài nên Cơ quan điều tra Công an TP. Hải Phòng không thể trực tiếp xác minh, làm rõ mà phải yêu cầu tương trợ tư pháp để điều tra nhưng đều chưa có kết quả trả lời.

Tại hội thảo, Tiến sỹ Võ Đình Toàn, Phó Viện trưởng Viện khoa học pháp lý nhấn mạnh: Thời gian tới sẽ yêu cầu sửa đổi Luật Thương mại để quy định rõ trách nhiệm của nhà nhập khẩu, bên chuyển hàng để giảm thiểu tình trạng "lách luật".

Hầu hết các đại biểu cho rằng, ngoài việc nhập khẩu hàng hóa mà liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật môi trường khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh để răn đe, còn nhiều lỗ hổng. Trong đó, quy định về cấu thành tội phạm chung chung và khó áp dụng như: quy định cấu thành vật chất, chưa quy định xử lý hình sự với pháp nhân... Do vậy, các đại biểu đại diện các ban ngành, doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành các quy định Bộ Luật Hình sự 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 về tội phạm môi trường trong thời gian tới.

                                                                    Đăng Hùng 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Hội thảo thi hành các quy định về tội phạm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO