Hải Dương: Hiểm họa xâm phạm hành lang thoát lũ, vi phạm Luật Đê điều

Trần Tuấn | 25/08/2020 17:07

(TN&MT) -Nhiều khu vực ở tỉnh Hải Dương, vật liệu xây dựng, các bãi than chất cao như núi, chặn ngang hướng dòng chảy, sẽ gây hậu họa nếu lũ về.

 

 

Than chất cao như núi ngoài đê ở phường Long Xuyên, Thị xã Kinh Môn.

Hành lang thoát lũ nhiều nơi bị chặn

Những vi phạm về hành lang thoát lũ rõ nhất trên tuyến sông Kinh Môn, hai bên bờ sông nhiều điểm như khu vực thị trấn Phú Thái, đầu cầu An Thái, khu vực xã Cộng Hòa, Thượng Vũ, đầu cầu Mây (huyện Kim Thành), phường Long Xuyên, thị xã Kinh Môn, than chất cao gần chục mét, giăng ngang hướng dòng chảy, nhiều lớp với khối lượng lớn. Nếu có di chuyển phải mất cả tháng trời, nếu lũ lớn về khó có thể xử lý kịp.

Hệ thống công trình đê điều của tỉnh Hải Dương gồm 19 tuyến đê với tổng chiều dài xấp xỉ 374km, trong đó đê từ cấp III trở lên 256km và 118km đê dưới cấp III ; 81 tuyến kè, 10 vị trí bờ lở và 279 cống dưới đê.

Đểm vi phạm ở đầu cầu An Thái (huyện Kim Thành).

Được biết, tỉnh Hải Dương hiện có 240 bến bãi ngoài đê, nhưng được phép hoạt động theo Luật Đê điều chỉ có 20 bãi có giấy phép; trong 54 bãi kinh doanh than chỉ có 1 bãi có phép; bãi kinh doanh vật liệu xây dựng chỉ có 19/186 bãi có phép. Theo Luật giao thông đường thủy nội địa, toàn tỉnh chỉ có 28% số bến bãi có giấy phép bến thủy nội địa (68/240 bến). Trên địa bàn tỉnh Hải Dương không chỉ hầu hết bến bãi vi phạm Luật đê điều, Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhiều bến bãi vi phạm Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường. Nhiều khu vực bến bãi vi phạm hết năm này đến năm khác.

Ven sông Kinh Môn, than chất tải dài như đê, cao gấp nhiều lần đê.

Việc vi phạm pháp luật về đê điều không chỉ các bãi chất chứa than, vật liệu xây dựng, ngay trong mùa lũ, phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường chứng kiến bến bãi khu vực gần bến đò Hàn, thuộc xã An Thượng, TP Hải Dương có nhiều xe tải nặng nhãn hiệu HOWO chở cát đi sát chân đê, ngang nhiên chạy xe qua thân đê, vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ đê điều.

Ông Bùi Quang Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết:  Xã có 3 bến bãi, hoạt động từ 2017, hiện vẫn đang xin cấp phép. TP Hải Dương còn mấy chục bên bãi đang hoạt động chưa được cấp phép, không chỉ riêng xã An Thượng chúng tôi. Đây là bến bãi của ông Nguyễn Văn Trung và ông Vũ Đức Trung. Trước đây là nơi sản xuất gạch thủ công, từ 2017, tỉnh yêu cầu xóa bỏ lò gạch thủ công, định hướng cho các chủ lò chuyển sang hình thức phát triển kinh tế khác. Hai chủ lò này đang xin chuyển sang hoạt động bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và sản cuất gạch không nung, gạch tự chèn.

Câu hỏi đặt ra, tại sao các bến bãi ở ngay địa bàn thành phố hoạt động bao lâu nay lại không phép. Việc các bến bãi sản xuất, kinh doanh VLXD một cách tùy tiện, ai quản lý, các nghĩa vụ thuế và các khoản thu nộp khác cho ngân sách nhà nước được thực thực hiện như thế nào?

Việc chấp hành pháp luật đê điều trong mùa lũ, ông Đỗ Tiến Bậc, Chi cục phó Chi cục quản lý đê điều và PCCN tỉnh Hải Dương thừa nhận chỉ có một số ít chủ bến bãi cho bốc xúc, san tản hạ thấp chiều cao bãi chứa vật liệu xây dựng trong mùa lũ còn lại rất nhiều bến bãi trên địa bàn tỉnh đang vi phạm hành lang thoát lũ. Đó là nhiều bến bãi trên tuyến sông Kinh Môn, Kinh Thầy, một số điểm ven sông Thái Bình khu vực TP Hải Dương, khu vực thị trấn Ninh Giang ven sông Luộc. Các bến bãi tập kết than, vật liệu xây dựng chất chứa sai quy định ngoài bãi đê, khu vực thị xã Kinh Môn gồm các phường Long Xuyên, Phạm Thái, Minh Tân và Duy Tân; khu vực huyện Kim Thành có các địa phương thị trấn Phú Thái, xã Cộng Hòa, Thượng Vũ; khu vực huyện Ninh Giang có các bến bãi ven sông thuộc thị trấn Ninh Giang... Lực lượng liên ngành đã lập biên bản nhiều lần, xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu giải tỏa, thanh thải dòng chảy, song nhiều chủ bến chưa nghiêm chỉnh thực hiện pháp lật bảo vệ đê điều.

Cần xử lý nghiêm

Những năm qua, UBND tỉnh Hải Dương đã Quy định trình tự, thủ tục cấp phép đối với các hoạt động có liên quan đến đê điều và thoát lũ trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các văn bản hướng dẫn thi hành tới cộng đồng. Tuyên truyền về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh; các kiến thức, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai...

Xe tải lớn chạy sát chân đê.

Mặt khác từ nhiều năm qua, tỉnh chũng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm về đê điều, thuỷ lợi theo quy định, các vi phạm cần được phát hiện và xử lý kịp thời để phát huy hết công năng sử dụng của hệ thống công trình đối phó với thiên tai. UBND tỉnh cũng yêu cầu chính quyền các địa phương kiên quyết ngăn chặn, không để phát sinh các vi phạm lớn. Sau ngày 15-6 hàng năm phải chấm dứt mọi hoạt động khai thác cát lòng sông, giải toả vật liệu chứa chất trên các bến bãi để đảm bảo hành lang thoái lũ; giải toả các lều, quán trên đê để đảm bảo thông suốt mặt đê phục vụ cho kiểm tra và hộ đê chống lụt bão. Thực hiện tốt công tác quản lý các phương tiện quá tải đi trên đê theo quy định hiện hành.

Một chiếc xe HOWO còn đi qua đê.

Trước thực trạng về vi phạm pháp luật về đê điều của hoạt động bến bãi trên địa bàn tỉnh Hải Dương như hiện nay, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương giao cho cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp khẩn trương rà soát toàn bộ bến bãi trên địa bàn toàn tỉnh. Yêu cầu thanh thải kịp thời việc chất chứa vật liệu xây dựng, chất chứa than trong mùa lũ bão; dừng các bến bãi hoạt động không phép, chưa phép tràn lan như hiện nay; xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết với các đối tượng “chống lưng, bảo kê” cho các bến bãi hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Hiểm họa xâm phạm hành lang thoát lũ, vi phạm Luật Đê điều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO