Biến đổi khí hậu

Hà Tĩnh: Quan tâm đến đối tượng nghèo trong mùa mưa bão

Vy Huyền 31/07/2024 - 18:05

(TN&MT) - Hà Tĩnh mặc dù đang là tỉnh nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với quan điểm chỉ đạo của tỉnh không để bất kỳ một người dân nào thiếu đói, không có nhà ở khi thiên tai bão lũ xảy ra, công tác chủ động ứng phó thiên tai của các cấp, các ngành trong tỉnh đang ngày càng hoàn thiện.

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh thường xuyên bị tác động bởi các loại hình thiên tai, đặc biệt trong những năm gần đây, liên tiếp phải hứng chịu những trận bão, lũ lịch sử, gây tổn thất nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội và đe dọa đến an toàn và sự ổn định đời sống của nhân dân.

Theo thống kê, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 10.000 ngôi nhà tạm, dột nát của hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai. Đặc biệt, năm 2020 đã xảy ra 2 trận lũ lịch sử liên tiếp làm cho hơn 4.000 ngôi nhà bị hư hỏng, 53.000 hộ dân bị ảnh hưởng của lũ lụt, nhiều công trình hạ tầng kinh tế bị hư hỏng nặng, tổng thiệt hại trên 5.300 tỷ đồng.

Sau trận lũ lịch sử xảy ra năm 2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã xây dựng 56 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ và 5.625 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai. Tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng bằng các nguồn lực xã hội hóa.

anh-1(1).jpg
Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng 56 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ và 5.625 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai

Xác định là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, Hà Tĩnh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, để ứng phó với mọi tình huống trong phòng chống giảm nhẹ thiên tai, chúng tôi lấy phương châm “Chủ động phòng tránh là chính” và thực hiện tốt công tác “4 tại chỗ” cả trước, trong và sau mưa lũ.

Cụ thể, về “Chỉ huy tại chỗ”, trong công tác chỉ huy, bằng các quyết định hành chính phân công nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng; cán bộ, cấp ủy người đứng đầu cấp nào phải chịu trách nhiệm ở cấp đó, cán bộ được phân công khu vực nào phải chịu trách nhiệm tại khu vực đó, phải luôn chủ động nắm chắc tình hình và có phương án rất cụ thể để khi có các tình huống xử lý ngay; đặc biệt ở các thôn, xóm phải rất nắm chắc cụ thể từng hộ dân, đánh giá được tình hình khả năng ứng phó của từng hộ gia đình để có phương án phù hợp.

04.jpg
Ban Chỉ huy quân sự huyện Thạch Hà kiểm tra công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự trữ sẵn sàng chiến đấu

Về “Lực lượng tại chỗ”, xác định lực lượng tại chỗ trước hết là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, nòng cốt là lực lượng Quân sự, công an, thanh niên. Toàn tỉnh hiện có 216/216 xã với trên 17.000 người tham gia lực lượng xung kích được chính quyền cấp xã thành lập, kiện toàn hàng năm để nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai. Mặt khác, Hà Tĩnh luôn coi phương châm “dựa vào dân là chính”, tại chỗ ngay tại từng hộ gia đình; thường xuyên tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng tránh để các gia đình tự bảo vệ mình trước, đồng thời có thể hỗ trợ giúp đỡ các hộ gia đình khác khi có thiên tai xảy ra.

Về “Phương tiện tại chỗ”, muốn chỉ huy tốt, huy động lực lượng nhanh, kịp thời đòi hỏi phải có đủ phương tiện, trang thiết bị. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế chưa đầu tư mua sắm được đầy đủ, hàng năm, tỉnh đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu phương tiện cho các sở, ngành địa phương; tổ chức ký kết các hợp đồng nguyên tắc với các chủ phương tiện để huy động khi cần thiết. Ngoài ra, thông qua Đề án 553, tỉnh đã tổ chức mua sắm một số trang thiết bị thiết yếu để nâng cao năng lực ứng phó thiên tai cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã theo quy định tại Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT về việc Ban hành Hướng dẫn xây dựng và củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

“Riêng đối với các địa phương vùng thường xuyên lũ lụt như Hương Khê, Vũ Quang, vùng ngoài đê La Giang, phần lớn các hộ gia đình đều chủ động ít nhất từ 1 đến 2 chiếc thuyền nhỏ để đi lại và sẵn sàng thực hiện hỗ trợ trong công tác ứng phó, khắc phục thiên tai” - Phó chủ tịch Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ và cho biết, tỉnh vẫn đang tiếp tục nhân rộng mô hình này cho các địa phương khác.

2izyxqap6kquegha3.jpg
Tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho lực lượng xung kích tại chỗ

Về “Hậu cần tại chỗ”, tỉnh xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để thực hiện tốt, trước khi có dự báo mưa lũ lớn, Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhắc nhở bà con nhân dân chủ động cất trữ lương thực, thực phẩm, mua sắm các phương tiện như đèn pin, áo mưa, dầu đèn. Ngoài ra, UBND tỉnh giao Sở Công thương xây dựng phương án đảm bảo hậu cần trong mùa mưa lũ, chủ động dự trữ hoặc hợp đồng nguyên tắc với các cửa hàng, đại lý, ki ốt trên địa bàn dự trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo, mì tôm, lương khô, nước uống để sẵn sàng huy động hỗ trợ nhân dân.

Qua nhiều tình huống nguy cấp, bài học kinh nghiệm quan trọng nhất của Hà Tính, đó là thực hiện công tác phòng chống thiên tai với phương châm phòng ngừa là chính, dựa vào dân và chính quyền cơ sở là chính, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đưa ra các quyết định và chỉ đạo giải quyết các vần đề cấp bách ngay tại địa phương, cộng đồng.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho nhân dân cần được làm tốt, nhất là vùng có nguy cơ cao. Đồng thời, tăng cường vai trò, năng lực tổ chức, chỉ huy của cấp xã với phương châm “4 tại chỗ”; công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” không phải ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã mà phải chuẩn bị tốt ngay từ trong mỗi gia đình thôn, xóm;

Một vấn đề cần quan tâm, đó là lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai, nhất là lực lượng xung kích cấp xã phải thường xuyên được củng cố, kiện toàn đảm bảo đủ số lượng, sức khỏe, tâm huyết, trách nhiệm. Khi có thiên tai phải xác định được các khu vực nào là trọng điểm, vùng nào trọng điểm và có kế hoạch rất cụ thể để kịp thời xử lý từng tình huống ngay từ khi phát sinh.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lĩnh, các thôn, xã, huyện phải phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các doanh nghiệp cùng chung sức trong công tác phòng, chống thiên tai cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân. Nếu làm được điều này, tin chắc rằng, dù thiên tai ác liệt đến đâu thì mức độ thiệt hại do thiên tai sẽ được giảm thiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Quan tâm đến đối tượng nghèo trong mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO