Hà Nội: Phát triển du lịch gắn với nghề gốm truyền thống

Thu Phương| 18/12/2022 22:04

(TN&MT) - Từ khi được công nhận là điểm du lịch làng nghề, người dân xã Bát Tràng lại càng có động lực để gìn giữ, bảo tồn, cũng như phát huy nghề truyền thống. Làng nghề Bát Tràng từ lâu được biết tới với sản phẩm gốm sứ tinh xảo, đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để phát triển Bát Tràng trở thành điểm du lịch tiêu chuẩn quốc tế, chính quyền và người dân nơi đây đã nỗ lực đa dạng các loại hình dịch vụ góp phần thu hút nhiều khách du lịch đến với làng nghề.

77a0348d-8e05-493a-a58d-92cab7328f7c.jpeg
Tăng cường phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng

Đa dạng hóa dịch vụ tạo sức hút cho du lịch

Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi Trường ông Phạm Huy Khôi - Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: Tháng 10/2019, Bát Tràng đón nhận Quyết định công nhận điểm du lịch của UBND thành phố Hà Nội. Đây là kết quả của quá trình giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống của ông cha để lại, sự tiếp thu đổi mới công nghệ sản xuất, thay đổi nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm của hơn 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ; và việc người dân chủ động, tự giác và tích cực tham gia phát triển du lịch quảng bá thương hiệu, quảng bá làng nghề.

Từ khi đón nhận Quyết định điểm du lịch Bát Tràng, chúng tôi đã áp dụng công nghệ tiên tiến để khai thác du lịch, đơn cử như một số sản phẩm du lịch như: Ứng dụng (app) du lịch Bát Tràng; Cổng thông tin điện tử Bát Tràng, ứng dụng thuyết minh tự động tại các điểm di tích …

Cùng với đó, trong phương án phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng, UBND xã đặc biệt chú trọng đến phát triển “Du lịch thông minh”. Hiện nay địa phương đang thực hiện du lịch thông minh trên địa bàn xã, triển khai một số sản phẩm nhứ lắp wifi miễn phí; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D; đầu tư hệ thống thuyết minh tự động tại các điểm tham quan cũng như hệ thống du lịch thông minh qua ứng dụng trên điện thoại.

12fef08a-1866-43ad-974f-ac3a9595f0d0.jpeg
Bát Tràng định hướng phát triển du lịch thông minh

Trước đây du khách đến Bát Tràng có rất ít thông tin về các điểm thăm quan, nay có công nghệ ứng dụng để hướng dẫn, cung cấp thông tin tham quan làng nghề, tìm hiểu văn hóa, thăm quan công trình, kiến trúc, văn hóa ẩm thực... Cũng theo ông Khôi đến với du lịch Bát Tràng vào những dịp lễ, tết hàng ngày có từ 2- 4 nghìn khách thăm quan, trải nghiệm tìm hiểu mua sắm tại làng nghề, đây là tín hiệu khả quan để địa phương tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ phục vụ khách trong giai đoạn tiếp theo.

Qua tìm hiểu giới thiệu app du lịch thông minh hiện nay của Bát Tràng đã giới thiệu cơ bản đầy đủ: 23 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh sách các nghệ nhân, các dòng sản phẩm gốm, giới thiệu ẩm thực Bát Tràng… Tiến tới sẽ triển khai thêm xe điện thông minh theo hình thức gọi xe theo ứng dụng, có giá cụ thể để khách lựa chọn.

Bên cạnh đó là dịch vụ xe đạp thông minh gồm các ứng dụng chỉ đường, thuyết minh tự động sẽ triển khai khi kết nối đượng vùng Bát Tràng - Kim Lan - Văn Đức là những điểm huyện Gia Lâm đang đầu tư du lịch để du khách tự khám phá các điểm du lịch.

d724af47-b0bb-4eb6-8458-14c58b021185.jpeg
Làng nghề Bát Tràng với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc đã và đang thu hút phát triển du lịch 

Đặc biệt để tạo thêm sự hút cho du lịch Bát Trang chính quyền xã Bát Tràng còn tổ chức tuyên truyền, nhân rộng vẽ tranh bích họa tạo cảnh quan đẹp, thân thiện, hấp dẫn du khách; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, không đổ rác ra ngoài đường, ngõ, xóm; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, giữ gìn môi trường cảnh quan chung. Vận động các hộ gia đình có hố ga lắng cặn trước khi xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát nước chung.

Về phía huyện Gia Lâm cũng thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền quảng bá, kết nối Du lịch Bát Tràng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên kênh truyền hình CNN, truyền hình trực tiếp bằng công nghệ 360 trên website và bằng nhiều hình thức khác.

UBND huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng, Ban đại diện các làng nghề, nghệ nhân thợ giỏi, các doanh nghiệp tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, Festival trong và ngoài nước. Tăng cường liên kết giữa các quận, huyện, thị xã và các vùng, miền, các địa phương trong nước.

d689cdde-b0b3-427a-9050-004dbcac7d89.jpeg
Cùng với đó Bát Tràng cũng có nhiều đổi mới để bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống 

Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Thời gian tới, để góp phần phát huy làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng gắn với phát triển du lịch, UBND xã Bát Tràng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Kết hợp các biện pháp phục hồi du lịch với xây dựng hình ảnh Bát Tràng điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.

UBND xã Bát Tràng cũng đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, làng nghề, làng cổ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu, tăng cường khả năng cạnh tranh cho các điểm du lịch. Kết nối du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng với các làng nghề: Kim Lan, nghề dát quỳ, vàng xã Kiêu Kỵ, làng nghề thuốc nam, thuốc bắc xã Ninh Hiệp, hoa giấy Phù Đổng; du lịch sinh thái, nông nghiệp trải nghiệm tại Văn Đức, Phù Đổng; du lịch tâm linh Đền - Chùa Bà Tấm (xã Dương Xá), Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng (xã Phù Đổng).

db7929cf-3c6f-43c5-b5d3-0ad27e11ebaf.jpeg
Với tiềm năng vốn có du lịch Bát Tràng hứa hẹn sẽ có nhiều đột phá trong thời gian tới 

Ngoài ra, để xây dựng điểm đến hấp dẫn, xã Bát Tràng còn chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm kích cầu du lịch nội địa chất lượng cao, thực sự hấp dẫn, giá cả hợp lý để thu khách du lịch; gắn với khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch sẵn có, phù hợp với giai đoạn hiện nay. Tăng cường kết nối với các khu vực lân cận như khu vực nội thành, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Tổ chức nâng cao kiến thức về du lịch cộng đồng, văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ... nâng cao kỹ năng tổ chức, khai thác, phục vụ khách du lịch của các công ty lữ hành, cộng đồng địa phương trong phát triển các mô hình du lịch nói chung và du lịch làng nghề trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Phát triển du lịch gắn với nghề gốm truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO