Hà Nội: Những khu vực nào cấm khai thác nước?

22/11/2018 16:39

(TN&MT) – Nhà tôi ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội. Hiện, gia đình đang muốn đào giếng để lấy nước sinh hoạt và cung cấp nước cho 10 phòng trọ sinh viên. Tuy nhiên, tôi được biết Hà Nội có khoanh vùng các khu vực cấm khai thác nguồn nước. Xin hỏi, khu Cầu Giấy có nằm trong danh sách các vùng bị cấm khai thác nguồn nước không? Muốn đào giếng nhà tôi phải làm thủ tục gì?

Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo Danh mục “Vùng cấm, vùng hạn chế và vùng cho phép khai thác sử dụng các nguồn nước trên địa bàn thành phố Hà Nội” ban hành kèm theo Quyết định số 161/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2012 của UBND TP. Hà Nội thì hiện nay, Hà Nội có một số vùng cấm khai thác (cấm xây dựng các công trình khai thác nước mới). Khu vực này có mực nước hạ thấp trên 20 m khá rộng (cốt cao mực nước từ -18m, -19m có diện tích khoảng 50 km2) trung tâm là bãi giếng Hạ Đình (mực nước hạ thấp trên 30m) kéo ra phía bãi giếng Pháp Vân (trị số hạ thấp mực nước khoảng 28m) kéo về bãi giếng Mai Dịch. Trên bản đồ khu vực này có ký hiệu 1b. Hiện tượng sụt lún mặt đất đã xuất hiện và có nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình đã có.

nuoc
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Khoảnh này bao gồm các phường: Mai Dịch, Nghĩa Đô, Dịch Vọng, Quan Hoa, Cầu Giấy, Mỹ Đình, Yên Hòa, Mễ Trì, Trung Hòa, Nhân Chính, Trung Văn, Khương Đình, Hạ Đình,Tân Triều, Đại Kim, Định Công, Trương Định, Phương Liệt, Trung Liệt, Bách Khoa, Trung Tự, Kim Liên, Quang Trung, Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, Ngọc Khánh, Thành Công, Diện tích khoảng 36 km2. Đối với khoảnh này cần: Giảm dần công suất của các nhà máy nước; nghiên cứu về tầng chứa nước (N) ở khu vực Định Công, đến năm 2020 ngừng hoạt động tất cả các nhà máy nước khai thác nước trong khu vực I.b.

Như vậy, khu vực Cầu Giấy thuộc khu vực bị hạn chế xây dựng các công trình khai thác nước mới. Đối với việc đào giếng lấy nước sinh hoạt gia đình, việc phải đăng ký hay cấp phép khai thác, sử dụng nước tùy thuộc vào đối tượng, quy mô khai thác theo đúng quy định tại Điều 44 Luật Tài nguyên nước năm 2012, Điều 16 của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

 Thủ tục đăng ký khai thác nước dưới đất
Được quy định tại Điều 6 Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường 
như sau:

Cơ quan đăng ký khai thác nước dưới đất là Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Căn cứ Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất được phê duyệt, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, phum, bản, sóc (sau đây gọi chung là tổ trưởng dân phố) thực hiện rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất thuộc diện phải đăng ký trên địa bàn; thông báo và phát hai (02) tờ khai quy định tại Mẫu số 38 của Phụ lục kèm theo Thông tư này cho tổ chức, cá nhân để kê khai.

Trường hợp chưa có giếng khoan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký khai thác trước khi tiến hành khoan giếng.

Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hoàn thành hai (02) tờ khai và nộp cho cơ quan đăng ký hoặc nộp cho tổ trưởng tổ dân phố để nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm nộp tờ khai cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với trường hợp cơ quan đăng ký là Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai của tổ chức, cá nhân, cơ quan đăng ký có trách nhiệm kiểm tra nội dung thông tin, xác nhận vào tờ khai và gửi một (01) bản cho tổ chức, cá nhân.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đã đăng ký khai thác nước dưới đất, nếu không tiếp tục khai thác, sử dụng thì phải thông báo và trả tờ khai cho cơ quan đăng ký hoặc tổ trưởng dân phố để báo cho cơ quan đăng ký và thực hiện việc trám, lấp giếng không sử dụng theo quy định.

Cơ quan đăng ký có trách nhiệm lập sổ theo dõi, cập nhật số liệu đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn; hằng năm tổng hợp, báo cáo kết quả đăng ký tới Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp cơ quan đăng ký là Ủy ban nhân dân cấp xã thì gửi báo cáo kết quả đăng ký tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Những khu vực nào cấm khai thác nước?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO