Hà Nội: Nhiều sai phạm trong sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường

Lưu Nguyên Sơn| 26/08/2020 17:43

(TN&MT) - Chậm ban hành cơ chế chính sách sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường còn lỏng lẻo; công tác xử lý rác thải bất cập; chưa đảm bảo tiến độ xây dựng các dự án xử lý rác thải... Đó là những hạn chế được Kiểm toán nhà nước chỉ ra qua việc kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo Kiểm toán nhà nước, tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác thải còn chậm, công suất chưa đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch đề ra - Ảnh minh họa

Ban hành chính sách chậm, quản lý kinh phí không chặt chẽ

Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực I, đơn vị thực hiện cuộc kiểm toán cho biết, một trong những bất cập của TP. Hà Nội trong sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường là việc chậm xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, gây thất thoát ngân sách nhà nước, chưa đảm bảo tính thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện; chậm hoàn thiện, ban hành đề án giá dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải để tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định hiện hành của Thành phố.

Cụ thể, TP. Hà Nội đã không kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn để ban hành Quyết định số 6841/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 như kế hoạch đề ra. Trong khi đó, Quyết định số 6841/QĐ-UBND ban hành với 9 quy trình, 10 định mức và 13 mã đơn giá cũng chỉ điều chỉnh việc đưa vào sử dụng máy móc trang thiết bị mới, hiện đại để nâng cao năng suất lao động, giảm nhân công thủ công và đảm bảo an toàn lao động của một số công việc. Theo KTNN, nếu các quy định mới này được áp dựng từ các năm trước sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Theo tính toán, với khối lượng duy trì thường xuyên thực hiện trong 3 năm (2014, 2015, 2016) theo đơn giá mới tại Quyết định số 6841/QĐ-UBND so với đơn giá cũ đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước số tiền khoảng 391 tỷ đồng.

Đối với công tác quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường, KTNN chỉ ra, việc lập, đăng ký nhu cầu đấu thầu tập trung dịch vụ vệ sinh môi trường của các quận, huyện, thị xã chưa sát thực tế; việc theo dõi, kiểm tra giám sát nghiệm thu khối lượng thanh quyết toán tại một số đơn vị chủ đầu tư thiếu chặt chẽ nên còn nghiệm thu chưa đúng khối lượng hoặc áp sai đơn giá thanh toán.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các chủ trương tiết giảm kinh phí theo chủ trương của Thành phố chưa nhất quán, quản lý giá xử lý nước rác chưa thống nhất và giá đốt rác chưa theo nguyên tắc của Bộ Xây dựng. Công tác thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường tại một số đơn vị chưa được đảm bảo so với kế hoạch, ảnh hưởng đến cân đối nguồn kinh phí chi trả cho công tác duy trì vệ sinh ngõ xóm.

Cũng theo KTNN, trong giai đoạn 2014-2018, trung bình Thành phố đã bố trí 3,29% tổng chi ngân sách địa phương cho kinh phí sự nghiệp môi trường, tuy nhiên, mức phân bổ chưa ổn định và có xu hướng giảm.

Nếu năm 2014, Thành phố bố trí dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường là 3,89%, năm 2015 tăng lên 4,08% thì đến năm 2016 giảm xuống còn 3,97%, năm 2017 còn 3,1% và đến năm 2018 chỉ còn 2,18%. Điều này là không hợp lý khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố đang ổn định và có xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, KTNN cũng còn cho rằng, TP. Hà Nội đang sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường chưa hiệu quả. Cụ thể, Thành phố đang tập trung chủ yếu kinh phí cho việc quản lý chất thải với 80-90% tổng chi cho thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt; dẫn tới không còn kinh phí để thực hiện các nội dung quản lý môi trường khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có không ít địa phương còn sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường cho nhiệm vụ khác, hoặc phân bổ, thực hiện nguồn chi đôi khi chưa có sự tham gia của cơ quan chuyên môn là Sở TN&MT.

KTNN kiến nghị UBND Thành phố cần có quy định về các nội dung công việc cần thực hiện cho các tuyến đường để đảm bảo quản lý chất lượng vệ sinh môi trường.  Ảnh minh họa: Tống Minh

Tiến độ thực hiện các dự án xử lý rác thải chậm

Đối với hoạt động đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn TP. Hà Nội, KTNN đánh giá, tiến độ thực hiện còn chậm, chưa thu hút được đầu tư, các nhà máy đã xây dựng chưa đáp ứng được công suất theo Kế hoạch.

6 nhà máy đã hoàn thành có tổng công suất 276.300m3/ngđ, mới chỉ đáp ứng được 27,08% so với kế hoạch đề ra của Thành phố đối với các dự án xử lý nước thải đến 2020 là 1.020.300 m3/ngđ.

Bên cạnh đó, các dự án xử lý rác thải nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo quy hoạch đến năm 2020 chưa thực hiện đúng tiến độ. Việc Thành phố quan tâm đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác hiện đại là phù hợp với xu thế hiện nay, tuy nhiên việc đầu tư 01 nhà máy công suất lớn 4.000 tấn/ngày tại 1 địa điểm là khu xử lý tại Sóc Sơn, thay vì đầu tư một số nhà máy phân bố ở các vùng khác nhau, sẽ làm tăng chi phí vận chuyển rác ở các huyện xa. Hơn thế, nếu nhà máy có sự cố sẽ dẫn đến ùn ứ rác, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trong xử lý rác cho TP. Hà Nội.

Trên cơ sở các phát hiện kiểm toán, KTNN đã kiến nghị các đơn vị được kiểm toán xử lý tài chính, nộp ngân sách nhà nước, giảm thanh toán các khoản thu về thuế, các khoản chi sai chế độ… trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải; chấn chỉnh các hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường; chấn chỉnh công tác lập dự toán, quyết toán nguồn kinh phí; chấn chỉnh các hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.

Cùng với đó, KTNN cũng kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo hướng dẫn các quận, huyện, thị xã rà soát, bổ sung nội dung điều khoản hợp đồng kinh tế để kiểm soát trách nhiệm của các nhà thầu, đảm bảo đúng quy định, chặt chẽ; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn cũng như các quy định cụ thể về: tần suất thực hiện, quy định về điều kiện và thủ tục tăng cường và giảm tần suất với một số công việc cần thực hiện để đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường; quy định về các nội dung công việc cần thực hiện cho các tuyến đường trên các khu vực địa bàn để đảm bảo quản lý chất lượng đồng thời làm cơ sở để xây dựng khối lượng đấu thầu công việc duy trì vệ sinh môi trường...

KTNN cũng cho biết, khi triển khai thực hiện các dự án, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán còn sai sót làm tăng tổng mức đầu tư, tăng dự toán công trình, Mặt khác, công tác nghiệm thu thanh quyết toán vốn đầu tư dự án còn sai sót về khối lượng, đơn giá, chưa đủ thủ tục theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhiều sai phạm trong sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO