Hà Nội: Hướng tới “xanh hóa” mạng lưới xe buýt
(TN&MT) – Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt, mục tiêu đến năm 2035 chuyển đổi 100% xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh.
Thực hiện theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình về hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các – bon và khí mê – tan của ngành giao thông vận tải. Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới của Hà Nội sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh theo kế hoạch phát triển mạng lưới xe búyt trên địa bàn thành phố.
Để hiện thực hóa kế hoạch “xanh hóa” mạng luới xe buýt, UBND TP Hà Nội vừa trình HĐND TP xem xét Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Đề án đặt mục tiêu đến 2035 tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100%. Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội là đơn vị được UBND TP Hà Nội giao xây dựng đề án này.
Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế và hạ tầng mạng lưới xe buýt trên địa bàn, Sở GTVT TP Hà Nội đã đưa ra 3 phương án chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026 - 2030.
Phương án thứ nhất được Sở GTVT Hà Nội đưa ra là chuyển đổi 100% xe buýt điện. Mức chi phí thực hiện thực theo mức thấp khoảng 45.142 tỷ đồng. Với mức cao, nguồn lực tài chính dự kiến cần 91.981 tỷ đồng.
Phương án thứ hai là chuyển đổi sang 70% xe buýt điện, 30% xe buýt khí thiên nhiên hóa lỏng LNG/CNG. Mức chi phí thực hiện theo mức thấp khoảng 40.986 tỷ đồng. Với mức cao, nguồn lực tài chính dự kiến cần 83.803 tỷ đồng.
Phương án thứ ba là 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG. Mức chi phí thực hiện kịch theo mức thấp khoảng 38.216 tỷ đồng. Với mức cao, nguồn lực tài chính dự kiến cần 74.532 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi 100% xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, để làm được cần phải có lộ trình và chính sách phù hợp. Để vừa đạt được mục tiêu đó, vừa hướng tới “phủ xanh” toàn mạng lưới, xe buýt Thủ đô phải có sự cải thiện, chuyển dịch rõ rệt về số lượng, chất lượng và cơ cấu đoàn phương tiện.
Lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, Sở đã tham mưu cho TP một số giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP như: hợp lý hóa luồng tuyến, biểu đồ chạy xe; thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử liên thông đa phương thức… Tuy nhiên, hiện trạng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô còn rất nhiều khó khăn.
TS Hà Thanh Tùng (Trường Đại học GTVT) cho hay, để chuyển đổi sang xe buýt sử dụng năng lượng xanh, hạ tầng cung ứng nhiên liệu khí CNG/LNG cần bến bãi rộng, xa khu dân cư, có hành lang an toàn, có quy hoạch cụ thể về vị trí, đảm bảo khoảng cách giữa các trạm, đường vào rộng phục vụ xe bồn, có phương án phòng, chống cháy nổ. Đồng thời, hệ thống trạm giảm áp chứa nhiên liệu rất phức tạp, gồm bồn chứa khí, hệ thống các trụ xả áp, … Giá trị đầu tư các trạm nạp rất tốn kém.
Đối với xe buýt điện, hạ tầng trạm sạc cũng cần bến bãi rộng, đảm bảo khoảng cách giữa các trạm, có phương án phòng, chống cháy nổ kèm theo. Hạ tầng điện phải đảm bảo ổn định, không gián đoạn điện 3 pha và có hệ thống trạm biến áp công suất lớn, đủ cho đoàn xe hoạt động 2 ca/ngày.
Việc phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ góp phần giảm phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường. Cụ thể, số CO2 phát thải giảm được khoảng 170.480 tấn CO2/năm.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu, giải quyết vấn đề xử lý hệ thống pin thay ra sau khi hết thời gian sử dụng để bảo vệ môi trường.
TS Hà Thanh Tùng phân tích, hiện này các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ được tiếp cận thuận lợi về cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư. Theo chủ trương của Nhà nước,doanh nghiệp cũng có kế hoạch, lộ trình, thời gian chuyển đổi phương tiện để chủ động trong việc đầu tư. Dù vậy, việc chuyển đổi xe buýt xanh đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, lớn.
Để đáp ứng lộ trình được để ra, đối với nguồn điện và trạm sạc, cần từ 3 - 5 năm để nâng cấp hệ thống điện khi số lượng phương tiện sử dụng lên hơn 1.000 xe. Một khó khăn khác trong chuyển đổi sang xe buýt xanh là đặc điểm kỹ thuật của xe điện còn hạn chế. Xe buýt điện sức chứa nhỏ chạy khoảng 180km sẽ cần sạc 1 lần. Tương tự, xe buýt lớn di chuyển khoảng 250km cần 1 lần sạc. Mặt khác, cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt điện còn ít và hạn chế.
Trên thực tế, quá trình “xanh hóa” xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội đang diễn ra sớm và bước đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực. Song, hành trình chuyển đổi còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có các thách thức lớn về vốn đầu tư, chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện... Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực, nguồn vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các bước, như quy hoạch về trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu.