Hà Nội giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng ở mức 15%

Phương Anh | 19/11/2020 10:42

(TN&MT) - TP. Hà Nội đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND về thực hiện Kế hoạch số 206-KH/TU của Thành ủy Hà Nội triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TP. Hà Nội ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

Thành phố phấn đấu nâng cao năng lực dự phòng và cung ứng điện đạt các chỉ tiêu: Đến năm 2030, điện năng thương phẩm toàn thành phố đạt 52.178 triệu kWh; điện năng thương phẩm bình quân đầu người 5.721kWh/người/năm; công suất cực đại pmax bằng 9.400MW; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,5%.

Đến năm 2045, điện năng thương phẩm toàn thành phố đạt 150.000 triệu kWh; điện năng thương phẩm bình quân đầu người 15.000kWh/người/năm; công suất cực đại pmax bằng 25.000MW; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2031 - 2045 đạt 5%.

Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 2% vào năm 2030; 5% vào năm 2045. Phấn đấu đến năm 2045 tổng công suất nguồn điện năng mặt trời ước đạt khoảng 700 MWp (triển khai lắp đặt đồng bộ điện mặt trời mái nhà tại các chung cư thấp tầng, tòa nhà cao tầng của thành phố) và điện rác khoảng 300MW phù hợp với tiềm năng, đặc thù của thành phố.

Phấn đấu đạt mức tiết kiệm từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030 và khoảng 14% giai đoạn 2031 - 2045, đẩy mạnh việc sử dụng các trang thiết bị, máy móc có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, kiểm toán năng lượng và tăng cường các giải pháp giảm thiểu điện năng tiêu thụ, khí thải tại các khu công nghiệp, nhà máy, khu đô thị.

Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí dự phòng một nguồn cấp (n-1) đối với vùng phụ tải quan trọng, dự phòng hai nguồn cấp (n-2) đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng và cho lưới điện truyền tải. Các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện (thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối - SAIDI; Số lần mất điện trung bình của lưới điện phân phối - SAIFI; số lần mất điện thoáng qua trung bình của lưới điện phân phối -MAIFI) tương đương Thủ đô của một số quốc gia phát triển trong cùng khu vực.

 Đến năm 2045, hoàn thành việc chuyển đổi, thống nhất sử dụng cấp điện áp 22kV cho lưới điện trung áp; tỷ lệ ngầm hóa đường dây điện cao, trung, hạ áp tại các quận lõi trung tâm, khu vực đô thị có quy hoạch ổn định đạt 100%.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng ở mức 15%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO