Ông Nguyễn Trọng Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng |
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết, trong năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 5/4/2021, báo cáo UBND Thành phố trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030. Hội đồng thẩm định quy hoạch Thành phố họp thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021- 2030 của 18/18 huyện, thị xã; trình UBND Thành phố phê duyệt được 16/18 huyện, thị xã (2 huyện đang hoàn thiện dự kiến trình phê duyệt trong tháng 1/2022).
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu cho UBND Thành phố, báo cáo HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết thông qua danh mục công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; trình UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của 30/30 quận, huyện, thị xã.
Trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, ông Lê Thanh Nam cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, trình UBND Thành phố quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được 255 dự án, diện tích là 370,1ha. Về đấu giá quyền sử dụng đất, năm 2021, thực hiện Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 30/3/2021 của UBND Thành phố về kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021, thành phố đã được khoảng 10.880/12.800 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch.
Cùng với đó, thu tiền sử dụng đất đạt 11.055 tỷ đồng/20.700 tỷ đồng, đạt 53,4% theo kế hoạch. Thu tiền thuê đất đạt 7.250 tỷ đồng/5.820 tỷ đồng, đạt 124,5% theo kế hoạch thu được UBND Thành phố giao. Tổng hợp nhu cầu giao đất dịch vụ trên địa bàn Thành phố, tính đến nay đã giao được 40.535 hộ/49.945 hộ đủ điều kiện, đạt 81,16% tương ứng với 399,67ha, còn lại 9.410 hộ (18,84%) tương ứng với 142,762 ha chưa được giao đất dịch vụ.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng |
Đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết, tổng số thửa đất cần đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư là 1.678.912 thửa đất, kê khai, đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận là 1.672.222 thửa/1.678.912 thửa, đạt 99,6%. Cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở cho 254.389căn/368.337căn (tại 787 dự án), đạt 69,1%. Cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định 14.243/15.279 căn, đạt 93,22%.
Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp được 617.964/622.861 giấy chứng nhận, đạt 99,21%. Cấp Giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu cho các tổ chức được 21.969 thửa đất (trong đó, cấp Giấy chứng nhận được 20.605 thửa; cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu được 1.364 thửa)…
Về công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký biến động, giao dịch đảm bảo, đăng ký đất đai,.... tại hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 456.408 hồ sơ (tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt năm 2021 khoảng 470.000 hồ sơ), đã giải quyết 407.169 hồ sơ, đang giải quyết 49.239 hồ sơ, trong đó tiếp nhận tại các Chi nhánh là 329.806 hồ sơ, tiếp nhận tại Văn phòng trung tâm là 126.602 hồ sơ. Tổng thu dịch vụ công khoảng 194 tỷ đồng, tổng thu phí lệ phí khoảng 191,3 tỷ đồng.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng |
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai 25 đoàn thanh tra, kiểm tra, trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành 16 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với tổng số tiền hơn 3,782 tỷ đồng; phối hợp với liên ngành thành phố tiến hành rà soát, thanh tra, hậu kiểm 379 dự án và 26 dự án (phát sinh) chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai...
Theo báo cáo cử Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các mặt công tác khác của Sở như: Công tác Bảo vệ môi trường nước, môi trường không khí, thu gom, xử lý chất thải rắn, quản lý môi trường làng nghề; Công tác đo đạc, bản đồ, viễn thám và xây dựng hồ sơ địa chính; Công tác quản lý khoáng sản; Công tác quản lý về Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu… cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Đào Thị Anh Điệp phát biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng |
Tại Hội nghị, lãnh đạo Phòng Đăng ký thống kê đất đai, Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cầu Giấy, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai đã trình bày các tham luận làm rõ thêm những kết quả đạt được trong năm 2021, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nội dung nhằm giúp thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố trong năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông biểu dương những kết quả của ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đạt được trong năm 2021. Đồng thời nhấn mạnh, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, ngành cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng hồ sơ địa chính tổng thể và cơ sở dữ liệu đất đai, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý sử dụng đất đai; rà soát, phân loại từng trường hợp, hướng dẫn các quận, huyện giải quyết dứt điểm khó khăn trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phối hợp với các sở, ngành của thành phố giải quyết dứt điểm các dự án chậm triển khai, đưa đất vào sử dụng hiệu quả; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường...
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Bùi Duy Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng |
Tiếp thu chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Bùi Duy Cường cho biết, năm 2022, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ tập trung rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý sử dụng có hiệu quả quỹ đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường, trạm, trại trên địa bàn thành phố; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành công tác giao đất dịch vụ trong năm 2022.
Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án bảo vệ môi trường làng nghề, từng bước di chuyển cơ sở sản xuất hộ gia đình ra các cụm công nghiệp làng nghề tập trung, bảo đảm mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% số cụm công nghiệp làng nghề, làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý triệt để nước thải; thường xuyên rà soát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các dự án đầu tư có sử dụng đất, phát hiện, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm...