Hà Nội: Cần thu hồi dự án Vietcombank Trần Thái Tông

Doãn Xuân - Quán Dũng| 19/09/2020 11:03

(TN&MT) - Khu đất vàng rộng hơn 5000 m2 nằm tại ngã 5 Trần Thái Tông, giao Tôn Thất Thuyết, Phạm Văn Bạch (đối diện Cung tri thức Thủ đô) có 3 mặt tiền, thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được Tp. Hà Nội giao từ năm 2008 để xây dựng trụ sở. Tuy nhiên, đã hơn một thập kỷ trôi qua khu đất này vẫn quây tôn, cỏ mọc um tùm, bỏ hoang.

Được xem là khu đất vàng đắt giá của quận Cầu Giấy, tại thời điểm tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất vào cuối năm 2008, lô đất có mật độ xây dựng 54%, tầng cao trung bình cho phép là 15, chức năng sử dụng "thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc".

Vietcombank là cái tên được xướng lên trong phiên đấu giá quyền sử dụng đất với mục đích xây dựng trụ sở làm việc. Đơn vị này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã được bàn giao đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để trở thành chủ nhân của khu đất vàng đắt giá tại đường Trần Thái Tông, Vietcombank đã bỏ ra hơn 265 tỉ đồng. Thế nhưng, sau hơn một thập kỷ khu đất này vẫn nằm bất động và không có thông tin gì liên quan đến dự án. Phía đằng sau của dự án vẫn còn dòng chữ Vietcombank và logo cũ của ngân hàng này để đánh dấu sở hữu.

Vietcombank ôm "đất vàng" ngã 5 Trần Thái Tông, giao Tôn Thất Thuyết, Phạm Văn Bạch hơn 10 năm vẫn bỏ hoang

Năm 2012, UBND Tp. Hà Nội khẳng định lô đất của Vietcombank tại Khu đô thị mới Cầu Giấy để hoang hóa từ năm 2008 là vi phạm khoản 12, Điều 38 của Luật Đất đai. UBND Tp. Hà Nội yêu cầu UBND quận Cầu Giấy rà soát quy chế đấu giá và biên bản bàn giao đất tại thực địa đối với đơn vị trúng đấu giá để lập hồ sơ thu hồi theo quy định.

Tiếp đó, trong Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, thời điểm 2015 - 2016 Vietcombank là một trong những ngân hàng có nhiều diện tích đất chậm triển khai hoặc chưa được sử dụng, trong đó có nhắc tới lô đất trên đường Trần Thái Tông, được thuê 50 năm kể từ tháng 12/2008 để xây trụ sở.

Mặc dù bị bỏ hoang nhiều năm nhưng khu đất vàng của Vietcombank đến nay vẫn chưa bị thu hồi. Liên tục trong nhiều năm, từ năm 2010 đến nay, hầu như năm nào UBND Tp. Hà Nội cũng ra các văn bản rà soát, thu hồi các dự án bỏ hoang nhiều năm.

Tuy nhiên, hiệu quả triển khai các văn bản này rất chậm, không có nhiều biến chuyển và dường như chỉ nằm trên giấy. Cụ thể, trong 2 năm 2012 và 2013, UBND Tp. Hà Nội đã có kế hoạch kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm tiến độ. Ngày 22/1/2018 Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội đã ký Văn bản số 278/UBND-ĐT, chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Cùng với đó, HĐND Tp. Hà Nội ban hành Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND về kết quả giám sát tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố. Trong Nghị quyết cũng nêu rõ: Yêu cầu UBND Thành phố tập trung chỉ đạo Sở, ngành,UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tháo gỡ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất, giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài tại các dự án để nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ, tuyệt đối không để phát sinh “điểm nóng” gây bức xúc trong nhân dân.

Bên trong dự án bỏ hoang cỏ mọc um tùm, tạo điều kiện cho côn trùng phát triển

Yêu cầu các nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án trên địa bàn Thành phố có cam kết thực hiện đúng tiến độ các công trình đã được phê duyệt, có kế hoạch, lộ trình cụ thể khắc phục các vi phạm. Có giải pháp đồng bộ trong xử lý, kiên quyết thu hồi đất những dự án chậm triển khai kéo dài, vi phạm pháp luật đất đai do nguyên nhân chủ quan, chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thực hiện dự án dù đã GPMB xong và sớm đưa đất đã thu hồi vào sử dụng theo đúng mục đích, quy hoạch.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu về hơn 300 dự án bỏ hoang ở Hà Nội.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất.

Trao đổi với đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, vị này phản hồi: Hiện tại, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đang thực hiện các thủ tục hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường để báo cáo UBND Thành phố Hà Nội gia hạn thời gian sử dụng đất và triển khai dự án theo quy định”. Tuy nhiên, đại diện Vietcombank lại không cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan đến vụ việc.

Dự án chậm tiến độ của Vietcombank đang góp phần "tô điểm" bộ mặt nhếch nhác đô thị văn minh Tp. Hà Nội

Căn cứ Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

Do đó có thế thấy dự án Vietcombank Trần Thái Tông  không đáp ứng được năng lực thực hiện dự án, cố tình chây ì, nhận đất nhưng loanh quanh không thực hiện dự án. Đề nghị UBND Tp. Hà Nội cần thu hồi lại đất để giao lại cho chủ đầu tư đủ năng lực tài chính, uy tín, tránh lãng phí đất cho Quốc gia.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Cần thu hồi dự án Vietcombank Trần Thái Tông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO