Doanh nghiệp - doanh nhân

Hà Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn liền với bảo vệ môi trường

Tiến Trung 07/08/2024 - 09:43

Công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực được tỉnh Hà Nam ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trong thời gian qua và đạt được một số kết quả nổi bật. Định hướng phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tỉnh này chỉ thu hút doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 7 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 15,68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu của tỉnh tăng như dây điện các loại tăng 38,4%; linh kiện, thiết bị điện tử tăng 26,3%; quần áo may sẵn tăng 10,5%.

Cũng theo Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, điện, điện tử luôn thuộc nhóm những sản phẩm công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao trong nhiều năm qua. Tính riêng năm 2023, sản phẩm linh kiện, điện tử và dây điện các loại có mức tăng cao nhất trong các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng dương so với năm 2022, mức tăng lần lượt là 28,2% và 18,3%.

1(2).jpg
Công nghiệp điện tử đã và đang là ngành mũi nhọn của tỉnh Hà Nam

Cũng trong năm 2023, các mặt hàng điện tử có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,5 tỉ USD (tăng 91% so với năm 2022) và chiếm 56,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Những con số này cho thấy ngành công nghiệp điện tử đã và đang là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh Hà Nam. Đây cũng là một trong những lĩnh vực được tỉnh này ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào đầu tư ngày càng tăng. Như năm 2023, trong tổng số 52 dự án đăng ký đầu tư mới vào các KCN của Hà Nam thì có tới 34 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (chiếm trên 65% số dự án).

Trả lời trên báo chí, đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp Hà Nam cho biết, trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước còn phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào từ nhập khẩu và số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực FDI còn khiếm tốn thì việc tăng ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để thu hút đầu tư là cần thiết.

Thực tế, UBND tỉnh Hà Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư, phát triển, mở rộng quy mô hoạt động. Trong đó, tỉnh dành riêng Khu công nghiệp Đồng Văn III cho công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, Khu công nghiệp Đồng Văn III có tổng vốn đầu tư là 2.320 tỉ đồng, quy mô sử dụng đất 223ha, thực hiện tại các phường Yên Bắc, Tiên Nội và Hòa Mạc; các xã Tiên Ngoại, Yên Nam và thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Taseco với vốn góp 348,041 tỉ đồng..

Hiện nay, Hà Nam có 12 doanh nghiệp được xác nhận là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển. Trong đó, Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina sản xuất hệ thống dây dẫn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II và Khu công nghiệp Thanh Liêm tạo việc làm ổn định cho trên 7.000 lao động.

2(1).jpg
Tỉnh Hà Nam dành riêng Khu công nghiệp Đồng Văn III cho công nghiệp hỗ trợ

Năm 2024, Hà Nam phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 219.441 tỉ đồng (tăng 12,5% so với năm 2023). Mục tiêu đến năm 2025, tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh là 56,4%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ đạt trên 51.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng từ 30% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Hà Nam đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhất là doanh nghiệp ngành điện, điện tử, cơ khí lắp ráp…

Chỉ thu hút doanh nghiệp thân thiện với môi trường

Bên cạnh thu hút đầu tư, Hà Nam còn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp. Theo Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

3(1).jpg
Hà Nam chỉ thu hút doanh nghiệp có công nghệ cao, thân thiện với môi trường

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, sản xuất, lắp ráp ô tô… Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Hạ tầng các khu công nghiệp tiếp tục được đầu tư xây dựng hoàn thiện, cùng với đó các dịch vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ ngày càng được nâng cao như hệ thống điện, viễn thống, nước sạch,…

Hà Nam đang hướng tới triển khai các giải pháp chuyển đổi công nghệ sạch trong sản xuất công nghiệp, đồng bộ các nhóm giải pháp bảo vệ môi trường. Đối với các doanh nghiệp, khuyến khích trồng nhiều cây xanh khu vực xung quanh công ty. Định kỳ thực hiện kiểm kê nguồn phát thải, điều tra, đánh giá bổ sung các nguồn thải lớn và thống kê, tổng hợp các nguồn thải đã cấp phép hàng năm. Từ đó, giúp bổ sung thông tin, số liệu về diễn biến, xu hướng của các nguồn gây ô nhiễm, phục vụ việc đề xuất các giải pháp, chính sách về bảo vệ môi trường.

Đối với khu, cụm công nghiệp mới, đầu tư theo hướng hiện đại, sinh thái. Đặc biệt, chỉ thu hút doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ít gây ô nhiễm. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn tái sử dụng nước thải và không thải chất thải ra môi trường.

Cùng với đó, thực hiện triển khai xây dựng các công cụ quản lý môi trường mạnh mẽ như hệ thống thông tin quản lý môi trường, các công cụ dự báo ô nhiễm, cảnh báo sự cố, ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, phân tích và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn liền với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO