Môi trường

Hà Nam nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường: Hướng tới phát triển xanh bền vững

Doãn Xuân - Việt Linh 26/10/2023 - 11:08

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường để Việt Nam thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi xanh và bền vững. Báo Tài nguyên và Môi trường xin giới thiệu tới bạn đọc chuyên đề: "Hà Nam nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường - Hướng tới phát triển xanh bền vững".

Bài 1: Chương trình số 28: Bản lề hướng tới phát triển xanh

Đó là mục tiêu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Nam đưa ra tại Chương trình số 28 và được cụ thể hóa tại Quyết định số 2382 về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ. Để độc giả hiểu rõ hơn về Chương trình, kế hoạch hành động này, cũng như kết quả bước đầu tỉnh Hà Nam đạt được, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam xung quanh vấn đề này.

c61d6fbd1d5557a8cac9405c65b3e070.jpg
Ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam

PV: Xin ông cho biết kết quả bước đầu sau gần 2 năm thực hiện Chương trình số 28 của Tỉnh ủy và Quyết định số 2382 của UBND tỉnh Hà Nam về thực hiện Chương trình xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025?

Ông Nguyễn Đức Vượng:

Bên cạnh sự quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn chú trọng công tác bảo vệ môi trường để thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi xanh và bền vững.

Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 28-CTr/TU ngày 30/6/2021 và Quyết định số 2382/QĐ-UBND tỉnh ngày 31/12/2021 về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ. Sau hơn 2 năm thực hiện, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có những chuyển biến tích cực.

Đến nay, 100% các khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và thực hiện thu gom, xử nước thải đạt cột A - QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn về nước thải công nghiệp và đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải. 100% khu đô thị mới, khu nhà ở mới có phương án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung hoặc có phương án thu gom nước thải về trạm xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch.

Đặc biệt, môi trường không khí khu vực Tây sông Đáy đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả quan trắc bụi năm 2022, một số vị trí như thị trấn Ba Sao, khu dân cư Trung Hiếu Thượng, cảng Xuân Thành, khu vực cổng chùa Tam Chúc đều đạt giới hạn cho phép. Một số khu vực trọng điểm, nồng độ bụi đã giảm từ 30 - 62% so với năm 2021.

Hiện tại, tất cả cơ sở khai thác chế biến khoáng sản của tỉnh đều lắp đặt, vận hành công trình, biện pháp xử lý bụi, khí thải. Ngoài ra, 100% nhà máy xi măng có hệ thống xử lý khí thải, hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý để kiểm tra, giám sát. 4/5 nhà máy xi măng lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để phát điện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Riêng chất thải rắn sinh hoạt thành thị được thu gom xử lý đạt 98%, rác thải nông thôn được thu gom và xử lý đạt 92%, tiến tới sẽ thu gom và xử lý triệt để. Tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”. Đến hết tháng 9/2023 đã trồng được hơn 2 triệu cây xanh, bước đầu góp phần nâng cao tỷ lệ mật độ cây xanh đô thị và nông thôn, tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái.

PV: Hà Nam là tỉnh có thế mạnh về khai thác khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi), vậy làm thế nào để tỉnh vừa phát huy hết thế mạnh này, vừa khai thác tốt tiềm năng du lịch, nhất là du lịch xanh bền vững trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Vượng:

Để khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Chương trình số 28 và Quyết định số 2382, trong đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình số 28, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ.

Thứ hai, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng định hướng đến 2030, trong đó định hướng công nghệ khai thác, chế biến sử dụng hợp lý tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Quy hoạch khu vực cấm khai thác khoáng sản, nâng công suất một số mỏ khu vực Tân Sơn để đến năm 2025 sẽ kết thúc khai thác khoáng sản. Thành lập khu bảo tồn loài - sinh cảnh, gắn với khu du lịch Tam Chúc tạo thành cực phát triển du lịch sinh thái của tỉnh.

Thứ ba, tuyên truyền giáo dục cộng đồng về phát triển du lịch bền vững, giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái xanh, sạch để làm tăng thêm giá trị của cảnh quan môi trường. Đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở khai thác khoáng sản vận hành thường xuyên các công trình bảo vệ môi trường, tăng cường trồng cây xanh, quét dọn phun nước giảm thiểu bụi.

Thứ tư, duy trì hoạt động hiệu quả của Tổ giám sát bảo vệ môi trường khu vực phía Tây sông Đáy, sông Nhuệ, xử lý nghiêm các đơn vị không vận hành các công trình bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.

anh-1(1).jpg
Một góc TP. Phủ Lý hiện đại nhìn tứ ngã 3 sông Đáy - sông Nhuệ

PV: Để bảo vệ môi trường và đưa du lịch, nhất là du lịch tâm linh thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, vậy tỉnh đã có phương án đóng cửa tất cả các mỏ đá hay chỉ một phần, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Vượng:

Hà Nam có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống đa dạng, có tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó có du lịch tâm linh như Chùa Tam Chúc, Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự, Đền Trần Thương, Chùa Long Đọi Sơn…

Để bảo vệ môi trường và phát triển du lịch trong thời gian tới, UBND tỉnh đã cụ thể hóa Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Bảng về việc đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác khoáng sản khu vực xã Tân Sơn, Tượng Lĩnh… xây dựng phương án nâng công suất khai thác để rút ngắn thời gian khai thác, tiến tới dừng hoạt động khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ (phấn đấu hoàn thành việc đóng cửa mỏ trước ngày 31/12/2025) tại khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, khu bảo tồn sinh cảnh và loài Vọoc mông trắng, khu vực thực hiện đầu tư dự án khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng nhằm phát triển kinh tế xanh, bền vững.

anh-8-tu-lieu-them.jpg
Du lịch xanh đang được tỉnh Hà Nam quan tâm phát triển (Khu du lịch Chùa Tam Chúc - huyện Kim Bảng)

PV: Xin ông cho biết, khó khăn lớn nhất của Hà Nam hiện nay trong việc nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường gắn với sức ép phát triển kinh tế xanh, hài hòa nhưng phải bền vững?

Ông Nguyễn Đức Vượng:

Phát triển kinh tế xanh, bền vững là xu hướng phát triển của thế giới hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng còn gặp nhiều thách thức: Thứ nhất, các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng tới phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay chưa được hoàn thiện, mà mới dừng lại ở việc đề xuất hướng tiếp cận. Thứ hai, thói quen sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của đại bộ phận doanh nghiệp và người dân còn lãng phí, ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao.

Thứ ba, vấn đề tài chính, nguồn vốn để thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh còn thiếu. Thứ tư, công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, phát sinh lượng lớn chất thải gây ô nhiễm và gia tăng phát thải khí nhà kính.

Do đó, để phát triển kinh tế xanh, bền vững, chúng ta phải đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh phải là động lực chính để phát triển bền vững.

Phải nâng cao nhận thức, đổi mới mô hình tăng trưởng, lồng ghép chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể, kịch bản các hoạt động tăng trưởng xanh, gắn kết chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Nhà nước cần chủ động tăng cường các nguồn lực đầu tư cho các dự án tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, dự án phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về các vấn đề chuyển giao công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... Qua đó, chúng ta sẽ học hỏi kinh nghiệm từ quá trình chuyển đổi và xây dựng kinh tế xanh của các nước đi trước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường: Hướng tới phát triển xanh bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO