Biến đổi khí hậu

Góc khuất của thiên nhiên

Việt Hải 22/08/2023 - 10:48

(TN&MT) - Lũ, lũ quét, sạt lở đất… sự vận động quá đà của thiên nhiên đã và đang gây nhiều hệ lụy nặng nề cho xã hội, cấp thiết đặt ra bài toán an toàn, ổn định đời sống của người dân.

aaaaaanh-3-1-1-.jpg

Liên quan đến các hiện tượng thiên tai xảy ra tại Tây Nguyên và một số khu vực miền núi vừa qua, trong các nghiên cứu và tranh biện mới đây, một số chuyên gia đã đưa ra lời cảnh báo: Hãy xem chừng góc khuất của thiên nhiên.

Đi tìm nguyên nhân của thiên tai tại Tây Nguyên, hầu như chưa có góc khuất nào chưa được đề cập dù còn tranh cãi và các luồng ý kiến chưa đồng nhất. Ở khía cạnh địa chất, nhiều ý kiến cho rằng Tây Nguyên là vùng đất tập trung núi lửa, phân bố rộng và phổ biến, kéo theo rất nhiều đứt gẫy kiến tạo làm dập nát đá gốc, tạo ra nhiều khe, suối và mặt trượt. Sạt lở tại khu vực Tây Nguyên vừa qua chủ yếu diễn ra ở các vùng phong hóa từ dung nham núi lửa trẻ, thành phần bazơ, quá trình phong hóa tại chỗ chuyển thành set-kaolin hoặc set-bentonit màu vàng nâu. Khi gặp nước, đất sét này rất dẻo và trơn trượt. Điều này khá phù hợp bởi hiện trường sạt lở đều có điểm chung là đất đỏ chảy nhão cộng với bùn đá và các sản phẩm tạp khác kéo theo trong quá trình sạt trượt.

305847032-1157956721600319-6713626809035388936-n-20220913203426.jpg
Sạt lở tại Phú Thọ

Tuy nhiên, sạt lở vẫn có thể xảy ra với bất kỳ địa tầng nào, ở các loại hình đất đá nào (từ trầm tích, biến chất, macma), miễn là nó hội tụ đủ các yếu tố dẫn đến sụt trượt chứ không chỉ riêng địa tầng phong hóa của dung nham núi lửa như đã đề cập ở trên. Nguyên nhân chung của các khối trượt thường do địa hình phân cắt mạnh, đất đá phong hóa không đều, mưa lâu ngày sũng nước, độ che phủ của thảm thực vật kém và quan trọng nhất là sự can thiệp của con người làm mất cân bằng tự nhiên vốn có.

Cũng có ý kiến cho rằng, sạt trượt là quá trình tất yếu của tự nhiên, khi đá tại những đỉnh núi cao (núi trẻ, độ dốc lớn) bị phong hóa thành đất, gặp mưa lớn, bão hòa nước làm giảm cường độ sẽ dẫn tới sạt trượt, trải qua quá trình bào mòn rửa lũa sẽ trở thành núi già. Việc con người tác động vào (đào phá thay đổi hiện trạng bề mặt) chỉ là góp phần đẩy nhanh quá trình sạt trượt. Bởi trong các chuyến đi khảo sát thực tế hoặc phân tích hình ảnh chụp bề mặt địa hình tại các khu rừng nguyên sinh đã từng cho thấy dấu tích của những vết trượt rất lớn xảy ra từ rất rất lâu mà ko hề có yếu tố tác động của con người.

Một trong những tranh biện đáng chú ý là việc chỉ ra “thủ phạm” do biến động nước ngầm (không tính đến các dòng chảy ngầm ổn định). Nước ngầm biến động là nước từ các cơn mưa rơi xuống đất, thẩm thấu, chảy trên bề mặt, bay hơi, thực vật hấp thụ. Các loại đất khác nhau sẽ hấp thụ lượng nước khác nhau. Khi hấp thụ đạt tới trạng thái bão hòa, đất sẽ chảy ra như bùn. Dung trọng của đất lúc này sẽ bằng nước + đất. Tùy vào việc có rừng, có thảm thực vật, địa hình, địa chất mà tầng đất bão hòa này nông sâu khác nhau. Sau bão hòa tầng nông, nước tiếp tục thấm xuống tầng sâu trong lòng đất.

Nước trút vào lòng đất khi đạt đến độ thấm hút bão hòa, đất nhão ra, tăng thể tích, giảm độ kết và bục ra ngoài. Cộng thêm mưa làm cho cây rừng trở nên nặng hơn, chất tải lên đống bùn nhão đó lớn hơn, gặp địa hình cao, dốc, sạt trượt xuống, kéo theo đá, tạo hiện tượng lũ bùn, lũ đá... Đối với mưa bất thường, kéo dài, việc sạt trượt diễn ra là điều khó tránh.

sat-lo-2-10142654.jpg
Sạt lở ở Đắk Nông

Một thủ phạm ít được điểm mặt đó là các túi bùn. Các túi bùn có thể có mặt sẵn trong rừng, hoặc từ một biến cố địa chất lún sụn nào đó của tự nhiên, hoặc do quá trình khai thác, tác động của con người, hoặc khi cây trong rừng gẫy đổ xuống, cùng với đất đá và lá mục chặn dòng các con lạch nhỏ gây nên điểm tắc nghẽn, vô hình dung tạo thành những hố chứa nước và bùn đất, lá cây ải mục. Một mặt, những hố tự nhiên này cản trở dòng chảy khi mưa xuống, mặt khác, với lượng mưa vượt quá khả năng chịu đựng, đập gỗ sẽ vỡ - đây là một trong những nguyên nhân gây ra những cơn lũ quét cường độ nhỏ.

Như vậy, con người dù ít nhiều can dự vào thiên nhiên hay không thì tai biến thiên nhiên vẫn diễn ra. Vì vậy, mục tiêu của những tranh biện, lật giở nhằm đi đến cùng của vấn đề trong việc tìm ra những giải pháp tối ưu nhất ứng xử với thiên nhiên trong mọi điều kiện.

Quan điểm chung đều cho rằng, với những vùng cấu tạo địa chất đặc biệt cần được đầu tư thăm dò đặc biệt, lập bản đồ cảnh báo sạt trượt và sạt trượt tiềm năng, quy hoạch dân cư và giám sát thực hiện quy hoạch dân cư nghiêm ngặt ở những vùng cảnh báo. Đối với những khu vực đột biến mưa, cần có kế hoạch dự phòng cho việc sớm sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm.

“Việc còn lại cần làm là tốt nhất, chúng ta không nên làm gì”. Khuyến cáo này nghe có vẻ hơi vô lý nhưng theo các nhà địa chất học, từ những việc chỉ ra góc khuất và sự giăng mắc phức tạp của thiên nhiên, đối với những vùng cấu tạo địa chất đặc biệt, điều tối quan trọng là con người nên giảm bớt tác động vào chúng (kể cả việc sống chung). Bởi thiên nhiên không dễ dàng cung cấp cho con người các chỉ số an toàn. Vì vậy, cách an toàn mà con người cần áp dụng đó là hãy tôn trọng và tránh xa góc khuất của thiên nhiên.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góc khuất của thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO