“Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” - động lực để Yên Bái bứt phá

Thanh Ngà - Thu Hạnh 24/08/2023 07:22

Hằng năm, Tỉnh uỷ Yên Bái ban hành chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo đó, hàng năm tỉnh sẽ xây dựng một chủ đề và phương châm hành động cụ thể, rõ ràng, theo hướng “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”.

z4584971279839_63f3b2032f919f3c542ccde53ad7a033.jpg

Chương trình hành động số 10 ngày 30/10/2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Tỉnh ủy Yên Bái đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp: “Hằng năm ban hành chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ chính trị, nghị quyết của HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả”. Theo đó, hằng năm sẽ xây dựng một chủ đề và phương châm hành động cụ thể, rõ ràng, theo hướng “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”. Đây là một trong những đổi mới mạnh mẽ về tư duy, thể hiện sự sáng tạo, đột phá trong phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy và cũng là một trong những cách làm hay của Yên Bái trong thời gian qua.

Đổi mới, sáng tạo trong nhiệm vụ được giao

Thực hiện Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm của Tỉnh ủy theo hướng “Giao nhiệm, khoán sản phẩm” gắn với trách nhiệm người đứng đầu, mọi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để hoàn thành hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao với tinh thần “không nói không, không nói khó” trước nhiệm vụ được giao.

z4352801123043_f9281287b3740ed2e5c3b62be395cefa.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy thị trấn Cổ Phúc trực tiếp đánh giá mô hình ủ rác thải hữu cơ bằng thùng ủ và men vi sinh đưa gia mô hình tiết kiệm, hiệu quả và có thể nhân rộng trên địa bàn toàn thị trấn

Sáng tạo trong cách triển khai

Trong tháng 5/2023, ông Nguyễn Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã trực tiếp chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của thị trấn cùng thử nghiệm mô hình ủ rác thải hữu cơ bằng thùng ủ và men vi sinh. Theo đó, mỗi đơn vị sử dụng một thùng nhựa chứa rác hữu cơ, dùng lượng men vi sinh khác nhau để ủ. Sau đó, cùng đánh giá kết quả phân hủy, chất lượng phân bón, chọn ra mô hình hiệu quả và tiết kiệm nhất để giới thiệu, hướng dẫn cho người dân thực hiện tại gia đình.

Để tiết kiệm chi phí cho người dân, Bí thư Đảng ủy thị trấn chỉ đạo cán bộ đoàn thể nghiên cứu thiết kế thùng ủ từ thùng đựng sơn bỏ đi, giúp giảm chi phí chỉ còn bằng 1/3 thùng ủ chuyên dụng bán trên thị trường. Trong thời gian qua, Đảng ủy thị trấn đã tích cực tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức và thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình theo mô hình này và đã nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của người dân.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên trực tiếp chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng thử nghiệm mô hình ủ rác thải hữu cơ bằng thùng ủ và men vi sinh.

Với sự chỉ đạo cụ thể, sát sao của cán bộ cấp ủy thị trấn, đặc biệt của Bí thư Đảng ủy thị trấn với mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu thu gom và xử lý chất thải rắn ở khu vực đô thị mà huyện Trấn Yên được giao trong Chương trình hành động số 135 của Tỉnh uỷ, cũng như trong kế hoạch 111 của huyện uỷ Trấn Yên.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy thị trấn Cổ Phúc chia sẻ: “Việc phân loại, xử lý rác thải rắn ngay tại hộ gia đình là giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt. Với sự chỉ đạo sát sao, định hướng, gợi mở từ Thường trực Huyện ủy và ý thức được trách nhiệm của người đứng đầu, bản thân tôi cùng lãnh đạo thị trấn mong muốn đưa ra được mô hình xử lý rác thải hữu cơ hiệu quả, tiết kiệm để đông đảo người dân có thể áp dụng”.

Trong chương trình hành động số 135 của Tỉnh ủy Yên Bái giao chỉ tiêu về môi trường đối với huyện Trấn Yên, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn ở khu vực nông thôn đạt 40% và ở khu vực đô thị là 98,3%. Với chỉ tiêu này, tỷ lệ 98,3% là chỉ tiêu cao nhất so với các địa phương trong tỉnh.

a2-2-.jpg
Sau khi ủ chất thải hữu cơ người dân đã sử dụng làm phân bón cho cây trồng

Để thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm huyện Trấn Yên chỉ đạo quyết liệt trong cả hệ thống chính trị nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.

Ông Trần Nhật Tân - Bí thư Huyện uỷ Trấn Yên cho biết: Trấn Yên hiện đang trong lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí cứng cần đảm bảo thực hiện. Để đạt mục tiêu tiêu chí này, cốt lõi vẫn là sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. Thị trấn Cổ phúc đang phấn đấu lên đô thị loại IV, vì vậy việc thực hiện tiêu chí môi trường, nhất là thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt phải đặt lên hàng đầu.

Trong việc triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình mà thị trấn đang thực hiện, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo, yêu cầu Bí thư Đảng ủy thị trấn phải lựa chọn được cách làm và triển khai có hiệu quả trên địa bàn thị trấn. Đồng thời, phải nghiên cứu tới chất lượng phân bón để làm sao người dân có thể sử dụng hiệu quả cho cây trồng. Từ đó, đảm bảo mô hình có tính thiết thực và bền vững. Bước đầu với cách làm của thị trấn Cổ Phúc đã hạn chế được rác thải ra môi trường.

Đến nay, huyện Trấn Yên, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị (thị trấn Cổ Phúc) là 98,3% đạt 100% kế hoạch và ở nông thôn là 39% bằng 97,5% kế hoạch đặt ra.

“Gỡ” việc khó ngay tại cơ sở

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú gắn với phong trào "Ngày cuối tuần cùng dân” phong trào hiến đất làm đường đã và đang được được huyện Yên Bình triển khai hiệu quả.

z4607626933476_ab0bd8309074c2ddef4dba90703c3c24.jpg
Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Bình

“Không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”; “Không có gì là không thể, phải quyết tâm tìm cách để làm”


Bí Thư huyện uỷ Yên Bình An Hoàng Linh

Đã có hàng nghìn hộ gia đình tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất và nhiều công trình, vật kiến trúc có giá trị trên đất để mở đường và bê tông hóa đường giao thông, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn của huyện được kiên cố hóa đạt trên 90%. Trong đó, cũng có những câu chuyện khó trong công tác giải phóng mặt bằng đã được “gỡ” khó ngay tại cơ sở.

Tuyến đường liên xã Yên Bình - Bạch Hà - Vũ Linh (Yên Bình) được tỉnh đầu tư cải tạo, nâng cấp. Trong đó, đoạn qua xã Bạch Hà có chiều dài hơn 3 km. Toàn xã Bạch Hà có gần 4.000 m2 đất của 144 hộ dân trong phạm vi giải phóng mặt bằng phục vụ công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường.

Để đảm bảo tiến độ, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công lãnh đạo xã Bạch Hà xác định: “Công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ không hề dễ dàng, đặc biệt dự án này không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, phải vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến tài sản trên đất. Với cương vị là người lãnh đạo địa phương, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ huyện giao, phải xác định khó mấy cũng phải làm, tìm cách mà làm đúng với tinh thần quán triệt của Bí thư huyện uỷ Yên Bình: “Không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”; “Không có gì là không thể, phải quyết tâm tìm cách để làm”, ông Lương Ngọc Bắc - Bí thư Đảng ủy xã Bạch Hà chia sẻ.

img_1112.jpg
Ông Lương Ngọc Bắc - Bí thư Đảng ủy xã Bạch Hà

Dưới sự chỉ đạo của Bí thư Đảng ủy xã, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng xã đã họp các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án nhằm tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến đất làm đường. Qua đó, nhiều hộ dân đã đồng thuận hiến đất, nhưng vẫn còn một số hộ nhất quyết không đồng lòng.

Bí thư Đảng ủy xã Lương Ngọc Bắc nhớ lại: Khi giải phóng mặt bằng cho tuyến đường đó, có hộ gia đình ông Trần Văn Chinh thôn Ngòi Lẻn có 400 m2 đất ruộng có đến 380 m2 trong diện giải phóng mặt bằng. Tôi đã cùng Bí thư chi bộ thôn trực tiếp gặp gỡ gia đình ông Chinh, chia sẻ những thiệt thòi của gia đình và đưa ra giải pháp, trong đó xã sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho gia đình ông Chinh. Còn hai hộ gia đình khác, bản thân tôi cũng trực tiếp đến hộ dân, gặp gỡ, trao đổi, nói rõ lý, rõ tình để hai hộ này đồng thuận. Điều quan trọng hơn cá nhân mình phải đặt mình vào vị trí của người dân để đồng cảm, chia sẻ thì mới thành công.

img_1127.jpg
Ông Lâm Đức Dưỡng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ngòi Lẻn, xã Bạch Hà

Tinh thần “tìm cách gỡ việc khó” trước nhiệm vụ được giao đã thấm đến tận cán bộ trong thôn. Ông Lâm Đức Dưỡng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ngòi Lẻn, xã Bạch Hà bộc bạch: “Chúng tôi vận động hộ đảng viên trước, rồi lấy hộ đảng viên đó làm gương để vận động gia đình hàng xóm liền kề, tiếp tục vận động các hộ có tinh thần vì cộng đồng cao và sau cùng kiên trì với những hộ còn nhận thức chưa đầy đủ lợi ích chung, lợi ích riêng. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, tôi luôn xác định rõ tinh thần “Không có gì là không thể, phải quyết tâm tìm cách để làm” đúng như tinh thần chỉ đạo của Bí thư Đảng ủy xã đã quán triệt. Cuối cùng, 24 hộ dân diện hiến đất trong thôn đã đồng thuận, đồng lòng hiến đất mở đường”.

Nhờ đó, Xã Bạch Hà đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước thời hạn được giao góp phần để dự án cải tạo tuyến đường Yên Bình - Bạch Hà - Vũ Linh đã và đang được triển khai thi công đúng tiến độ.

Tinh thần trách nhiệm và nêu gương

Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 135, ngày 18/11/2022 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023. Trong tháng 12/2022, Huyện ủy Trấn Yên đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 111 để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2023 theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy.

img_9932.jpg
Đồng chí Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên

Giao nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu, thường xuyên phải được báo cáo định kỳ để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Ông Trần Nhật Tân - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên

Kế hoạch 111 của Huyện ủy Trấn Yên đã xác định 37 chỉ tiêu, có 28 chỉ tiêu được Tỉnh ủy giao, 9 chỉ tiêu huyện tự xác định bổ sung. Kế hoạch 111 của Huyện ủy Trấn Yên cũng đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Theo đó, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện; giao nhiệm vụ cho các đồng chí ủy viên cấp ủy huyện trực tiếp lãnh đạo, phụ trách, theo dõi từng lĩnh vực, từng chỉ tiêu.

Ông Trần Nhật Tân - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết: Thường trực Huyện ủy phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm xã; phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trực tiếp phụ trách xã. Trên cơ sở chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình hành động số 135 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 111 của Huyện ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai, nắm bắt tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy tiến độ, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ cùng những khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm cá nhân để Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy nắm bắt, chỉ đạo giải quyết.

z4419552534883_11ed7ff9ebb6a8a8cb427611cb9e332b(2).jpg
Ông Trần Nhật Tân - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên (bên trái) tham gia làm đường giao thông nông thôn cùng người dân

Trong triển khai thực hiện các Chương trình hành động hằng năm của Tỉnh ủy, Huyện ủy Trấn Yên đều chỉ đạo thực hiện quyết liệt “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Qua đó, góp phần quan trọng vào kết quả trên các lĩnh vực mà huyện đạt được trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tính đến nay, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XXII Đảng bộ huyện, trong 28 chỉ tiêu chủ yếu đề ra có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đạt, 8 chỉ tiêu đạt trên 70%, 3 chỉ tiêu đạt từ 50 - 70% và 3 chỉ tiêu đạt dưới 50% mục tiêu Nghị quyết.

“Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” cũng giúp huyện Yên Bình đạt nhiều thành quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Kết thúc năm 2022, huyện Yên Bình đã thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức 30/30 chỉ tiêu theo Chương trình hành động số 56 của Tỉnh uỷ năm 2022. Hoàn thành 50/50 chỉ tiêu theo Kế hoạch số 72 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 của Huyện ủy. Trong đó, có 36 chỉ tiêu vượt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu quan trọng, quyết định đến tăng trưởng kinh tế của huyện và nhiều chỉ tiêu khó đều hoàn thành và vượt cao.

z4496284993567_80ee6337b02beb8ee1525d6c3767e4a9.jpg
Người đứng đầu luôn gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân mới có thể đưa ra chính sách phù hợp

Trong đó, có rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ nổi bật, điển hình: Đứng đầu toàn tỉnh về diện tích cấp chứng chỉ rừng FSC và làm đường giao thông nông thôn; là huyện thứ hai trong tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đứng đầu toàn tỉnh về xóa tạm, nhà dột nát; chỉ số hạnh phúc của người dân năm 2022 đạt 63,05%, đạt mức 2 là mức khá hạnh phúc, tăng 5,11% so với 2021…

Đó chính là những minh chứng cho hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 theo phương châm “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” gắn với “cá thể hóa trách nhiệm cá nhân” của huyện Yên Bình.

“Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của huyện, trong quá trình triển khai Chương trình hành động hằng năm của Tỉnh ủy, Huyện ủy Yên Bình luôn nhất quán lãnh đạo, chỉ đạo theo phương châm “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, gắn với “cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân”. Từ đó, đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thể hiện rõ nhất trong việc chỉ đạo xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, người chỉ đạo, cơ quan tham mưu thực hiện, lộ trình hoàn thành. Cùng với việc giao nhiệm vụ, thường xuyên kiểm đếm tiến độ, đánh giá trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao…”, ông An Hoàng Linh – Bí thư huyện uỷ Yên Bình chia sẻ.

Với phương châm, cách làm đó đã góp phần quan trọng vào kết quả nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025 của huyện Yên Bình, trong đó xây dựng nông thôn mới là một trong những kết quả nổi bật của huyện. Hết năm 2022, huyện Yên Bình có 22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 thôn đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu…là cơ sở để huyện tiếp tục phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới thực chất, đáng sống vào năm 2024 theo đúng mục tiêu mà huyện đã đề ra, vượt trước so với mục tiêu đến năm 2025 huyện hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đặt ra.

Thành công và lan toả

“Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” trong triển khai thực hiện Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm đã mang lại những kết quả tích cực. Đây cũng được xem là “Thước đo” để đánh giá cán bộ một cách minh bạch và thực chất.

Theo chia sẻ của lãnh đạo huyện Yên Bình, việc thực hiện “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” sẽ đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu theo nguyên tắc: “Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

z4214096675874_5825ad91a267dcaf916357f42dca86c9(1).jpg
Người đứng đầu cơ quan đơn vị có thái độ tích cực khi được nhận nhiệm vụ, chủ động đề xuất các giải pháp, sáng kiến để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao

Bí thư Huyện ủy huyện An Hoàng Linh cho biết: Huyện kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Bên cạnh đó, phê bình nghiêm khắc, xem xét đánh giá, sắp xếp vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cũng lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao làm căn cứ để đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ khách quan, công tâm.

Do vậy, trong thời gian qua, tinh thần, thái độ, trách nhiệm và hiệu quả của cá nhân, cán bộ huyện Yên Bình khi được giao nhiệm vụ đã có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét hơn, nhất là việc chủ động đề xuất các giải pháp, sáng kiến để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị hằng năm của huyện cũng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

z4496284311292_a3170835cb3c0aecde87cd7ee132a9e6.jpg
Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm gắn với trách nhiệm cá nhân vừa giúp cán bộ, đảng viên phát huy tốt năng lực, sở trường công tác, tâm huyết, cống hiến và tạo ra các sản phẩm cụ thể

Đồng thời, Bí thư Huyện ủy Yên Bình cũng khẳng định: “Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm gắn với trách nhiệm cá nhân vừa giúp cán bộ, đảng viên phát huy tốt năng lực, sở trường công tác, tâm huyết, cống hiến và tạo ra các sản phẩm cụ thể. Thành công của tập thể có vai trò đóng góp của cá nhân, đặc biệt là vai trò người đứng đầu và không ai khác, họ sẽ được người dân, cán bộ, đảng viên theo dõi, đánh giá và lựa chọn. Đồng thời giúp cấp ủy các cấp đánh giá cán bộ, đảng viên thực chất” .

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, qua triển khai thực hiện Chương trình hành động hằng năm, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát huy năng lực, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, không ngừng đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, sát thực tiễn, tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đã có nhiều sáng kiến hay, cách làm mới, mô hình hiệu quả áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực và có tính đột phá.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Qua 5 năm thực hiện xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm đã tạo chuyển biến tích cực và mang lại kết quả ấn tượng trên mọi mặt của đời sống xã hội. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, tạo sự đổi thay rõ nét cho quê hương Yên Bái.

tin_dong-chi-nguyen-the-phuoc-kiem-tra-cac-cong-trinh-du-an-do-thi-thanh-pho_12_7.mp4.00_00_01_20.still001.jpg
Tỉnh Yên Bái có sự bứt phá mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch

Trong đó, kinh tế - xã hội có sự bứt phá mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch. Kinh tế luôn duy trì đà tăng trưởng khá, năm 2021 tốc độ tăng trưởng đạt 7,11% đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng. Năm 2022, đạt 8,62% mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây; đảm bảo tốc độ trưởng trung bình từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt trên 7,5% theo đúng mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra…Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm 5,15%. Chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm. Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái không ngừng được nâng cao, năm 2022 đạt 62,57%, tăng 9,27% so với năm 2020.

a2..jpg
Đời sống văn hoá tinh thần của người dân ngày được nâng lên

Đến giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái có 18/19 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh được dự báo hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Trong đó, có một số chỉ tiêu đã hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.

Có thể thấy, việc “Giao nhiệm, khoán sản phẩm” cho người đứng đầu được xem là giải pháp thúc đẩy tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt trước Đảng và nhân dân, loại bỏ được cách làm chậm trễ thay vào đó là sự tích cực thi đua của các ngành, các địa phương thông qua các công việc được giao để khẳng định vai trò nêu gương của người đứng đầu và chứng minh năng lực qua sản phẩm cụ thể.

Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền phải quyết đoán, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với những khó khăn thử thách hành động vì lợi ích chung sẽ phát huy hết tố chất của một thủ lĩnh để dẫn dắt tập thể cùng đồng lòng hành động đạt được những mục tiêu đã đề ra. Đây được coi là một trong những đổi mới mạnh mẽ về tư duy, thể hiện sự sáng tạo, đột phá trong phương thức lãnh đạo của tỉnh Yên Bái và sẽ là khởi điểm cho những bứt phá của mỗi địa phương, đơn vị.

z4630504881637_8d5790bd50ee255c27ad237d4e0c1562.jpg
Yên Bái ngày cảng thay da đổi thịt
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” - động lực để Yên Bái bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO