Gian nan hành trình “biến tro, xỉ, thạch cao thành tiền”

Lưu Nguyên Sơn| 06/11/2020 20:59

(TN&MT) - Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 việc xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích lũy. Xử lý tro, xỉ, thạch cao để sử dụng cũng có nghĩa là quá trình “biến tro, xỉ, thạch cao thành tiền”, thành lợi ích về kinh tế, môi trường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện những năm qua còn không ít gian nan.

Thành công của Sông Đà Cao Cường

Nhằm đảm bảo tính ổn định và chủ động cung cấp phân bón DAP cho phát triển nông nghiệp, hạn chế nhập khẩu, sử dụng nguồn tài nguyên quặng Apatit trong nước, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam đã đầu tư xây dưng nhà máy sản xuất phân bón DAP tại Khu kinh tế Đình Vũ-Hải Phòng. Trong quá trình sản xuất phân bón DAP, nhà máy này đã thải ra lượng bã thải rất lớn. Hiện nay, với công suất 330.000 tấn/năm, mỗi năm nhà máy DAP thải ra 750.000 tấn bã thải thạch cao phosphor PG (gọi tắt là PG).

Sau 6 năm hoạt động, nhà máy DAP Đình Vũ đã thải ra gần 4 triệu tấn bã thải PG với giải pháp là đổ đống, gây nguy cơ rò rỉ nước thải chứa axit và các tạp chất ra môi trường đất, bốc mùi axit ra môi trường không khí; đồng thời, khi tải trọng đổ đống quá cao đã phá vỡ lớp chống thấm, đẩy chất thải xuống tầng bùn lầy tại khu kinh tế Đình Vũ.

Sản phẩm từ tro, xỉ nhiệt điện của Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Mặt khác, theo ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường, Việt Nam là nước không có nguồn thạch cao tự nhiên, trong khi nhu cầu thạch cao trong nước lại rất lớn. Chỉ tính riêng ngành xi măng ở phía Bắc thì sản lượng xi măng đã lên tới 30 triệu tấn/năm. Lượng thạch cao dùng làm phụ gia là 3-5% thì nhu cầu về thạch cao đã lên tới 1,5 triệu tấn/năm, hiện đang phải nhập khẩu với giá hơn 600.000 đồng/tấn.

Từ thực tế trên, ông Kiều Văn Mát cho biết, Công ty Sông Đà Cao Cường đã dùng vốn đầu tư nghiên cứu các giải pháp xử lý bã thải PG Đình Vũ nhằm tạo ra sản phẩm làm phụ gia cho xi măng và làm nguyên liệu để sản xuất tấm thạch cao xây dựng. Ngày 20/1/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt đề tài nghiên cứu cấp quốc gia của Sông Đà Cao Cường với tiêu đề: “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết kế chế tạo dây truyền xử lý PG của DAP Đình Vũ làm phụ gia cho xi măng và làm nguyên liệu để sản xuất tấm thạch cao xây dựng”. Đến nay, đề tài đã hoàn thành nghiệm thu, nhà máy đi vào hoạt động, sản phẩm đã bán ra thị trường.

Với việc nghiên cứu thành công đề tài, Sông Đà Cao Cường đã chế tạo và lắp đặt hoàn thiện dây chuyền thiết bị xử lý PG với công suất 750.000 tấn/năm; xây dựng quy trình công nghệ chế tạo vật liệu nano nZVI sử dụng để xử lý nước thải của nhà máy sản xuất thạch cao Đình Vũ; hoàn thành nhà máy xử lý PG và cung cấp nguyên liệu thạch cao cho trên 20 nhà máy sản xuất xi măng khu vực phía Bắc.

Cùng với đó, đề tài thành công đã giúp tiết kiệm được chi phí quản lý, vận hành bãi thải; giảm ô nhiễm môi trường không khí tại khu kinh tế Đình Vũ do các loại axit bốc lên; loại trừ được rủi ro rỉ nước thải chứa axit và tạp chất có hại ra môi trường đất tại khu kinh tế Đình Vũ khi có biến động về khí hậu; sản phẩm của đề tài là thạch cao đạt tiêu chuẩn TCVN 11833:2017, có giá cạnh tranh, góp phần giảm chi phí sản xuất xi măng và giảm nhập khẩu xi măng, thạch cao. Đồng thời, nhà máy xử lý PG Đình Vũ hoạt động cũng tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, nộp thuế cho ngân sách nhà nước, góp phần phát triển kinh tế Hải Phòng.

Mục tiêu chưa hoàn thành

Thành công của Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường là điển hình tiên tiến trong việc “biến tro, xỉ, thạch cao thành tiền”, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội rất lớn. Tuy nhiên, khối lượng xử lý của Sông Đà Cao Cường là quá nhỏ so với khối lượng tro, xỉ, thạch cao thải ra hàng năm của các nhà máy nhiệt điện, sản xuất phân bón tại Việt Nam.

Theo tính toán thiết kế của các nhà máy nhiệt điện, nếu sử dụng than cám trong nước để sản xuất ra 1kW.h điện sẽ tiêu tốn khoảng 0.5 kg than và thải ra khoảng 0,18 kg tro, xỉ, thạch cao. Tuy nhiên trong thực tế, do nguồn than đầu vào, điều kiện vận hành mà lượng tro, xỉ thải ra có thể lớn hơn.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, theo số liệu tổng hợp của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 25 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động, phát thải ra tổng lượng tro, xỉ khoảng hơn 13 triệu tấn/năm, trong đó, tro bay chiếm từ 80% đến 85%. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc chiếm 65%, miền Trung chiếm 23% và miền Nam chiếm 12% tổng lượng thải.

Hiện nay nhà máy có lượng phát thải tro, xỉ theo thiết kế lớn nhất là nhà máy Nhiệt điện BOT Vĩnh Tân I với 1,6 triệu tấn/năm tại tỉnh Bỉnh Thuận. Địa phương có lượng phát thải tro, xỉ nhiệt điện lớn nhất là tỉnh Quảng Ninh, khoảng 6,7 triệu tấn/năm chiếm khoảng 35% tổng lượng phát thải của cả nước.

Ông Phạm Văn Bắc trình bày báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung và Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao. Ảnh: Mai Đan

Theo ông Phạm Văn Bắc, cùng với sự phát triển của ngành điện, lĩnh vực sản xuất phân bón cũng tạo ra một lượng lớn bã thải thạch cao PG. Theo công nghệ để sản xuất ra 1 tấn axít phosphoric sẽ thải ra khoảng 4,63 tấn PG. Lượng phát thải thạch cao PG ở nước ta theo thực tế khoảng 2,35 triệu tấn/năm chủ yếu từ 3 nhà máy: Nhà máy DAP Đình Vũ tại Hải Phòng 750.000 tấn/năm; Nhà máy DAP số 2 Lào Cai 700.000 tấn/năm; Nhà máy DAP của Công ty CP hóa chất và phân bón Đức Giang - Lào Cai 900.000 tấn/năm. Ngoài ra, một số nhà máy sản xuất axit phosphoric có quy mô nhỏ khác cũng phát thải ra bã thải thạch cao (gyps).

Để tăng cường việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao, ngày 12/4/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích lũy.

Theo thông tin số liệu của các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), và các nhà máy nhiệt điện BOT, tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ trên cả nước khoảng khoảng 34,5 triệu tấn tương đương với 42% tổng lượng phát thải qua các năm.

Tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực làm phụ gia khoáng cho xi măng ước khoảng 24 triệu tấn (70%); sản xuất gạch đất sét nung và gạch không nung ước khoảng 4 triệu tấn (12%); làm phụ gia cho sản xuất bê tông tươi, bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt) ước khoảng 3 triệu tấn (8%) và làm vật liệu san lấp, đắp đường giao thông các loại khoảng 3,5 triệu tấn (9%).

Đối với thạch cao PG, trong 3 nhà máy DAP đang vận hành tại Việt Nam, chỉ có nhà máy DAP số 1 (Đình Vũ, Hải Phòng) có dây chuyền xử lý bã thải thạch cao thành thạch cao PG do Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ đầu tư với công suất 1.000.000 tấn thạch cao PG/năm. Sản phẩm thạch cao PG của Công ty Thạch cao Đình Vũ đã được 25 nhà máy xi măng sử dụng với tỷ lệ bình quân khoảng 30% tổng lượng thạch cao trong xi măng, 70% còn lại vẫn là thạch cao tự nhiên.

Kiểm tra việc thực hiện các cam kết về môi trường

Như vậy, mặc dù lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ được khoảng 34,5 triệu tấn tương đương với 44% tổng lượng phát thải qua các năm, tuy nhiên con số này đã không đạt được mục tiêu đề ra tại Quyết định 452/QĐ-TTg là 52%.

Việc xử lý lượng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện đang là một thách thức rất lớn. Ảnh: TTXVN

Nhằm khắc phục những tồn tại, tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng; nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Đồng thời, giám sát thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc diện tích bãi thải chỉ chứa lượng thải của 2 năm sản xuất trung bình và không cấp phép mở rộng các bãi thải tro, xỉ, thạch cao đã được phê duyệt; tăng cường kiểm tra việc thực hiện đề án xử lý tro, xỉ, thạch cao do các cơ sở phát thải lập và phê duyệt; kiểm tra việc thực hiện các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực hiện các quy định về pháp luật môi trường tại các đơn vị xả thải.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn việc đồng xử lý tro, xỉ, thạch cao trong sản xuất vật liệu xây dựng; coi việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao vào sản xuất vật liệu xây dựng là quá trình xử lý tro, xỉ, thạch cao; ban hành hướng dẫn việc chôn lấp tro, xỉ, thạch cao trong trường hợp tro, xỉ, thạch cao không thể sử dụng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan hành trình “biến tro, xỉ, thạch cao thành tiền”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO