Giảm tổn thất sau thu hoạch: Áp dụng công nghệ là yếu tố hàng đầu

07/12/2018 16:53

(TN&MT) - Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch ở nước ta khá cao vào khoảng 20-25%. Hầu hết các nông sản đều bị tổn thất sau thu hoạch. Điều này làm giảm hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Khâu bảo quản, chế biến còn hạn chế khiến nông dân chưa thể làm ăn bền vững, dễ lâm vào cảnh được mùa - mất giá.

Sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ việc cải thiện môi trường, tăng hiệu quả sản xuất (Ảnh: MH)
Sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ việc cải thiện môi trường, tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: MH

Công nghệ thủ công làm tổn thất nông sản

Mỗi năm, lượng lương thực bị tổn thất sau thu hoạch trên toàn thế giới đủ để nuôi sống được 200 triệu người, quy đổi tương đương khoảng 48 tỷ USD. Ở Việt Nam, các chuyên gia về nông nghiệp nông thôn cho rằng, giảm tổn thất sau thu hoạch là tăng gấp đôi lợi nhuận cho nông dân.

Theo thống kê, tại Việt Nam, ngành lúa gạo bị tổn thất khoảng 14%; chăn nuôi, cây ăn quả tổn thất khoảng 20-25%; rau củ tổn thất 30%; đánh bắt thủy sản khoảng 30%. Mức tổn thất của Việt Nam cao hơn mức trung bình của thế giới (10-15%).

Nguyên nhân là do ở nước ta, việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chưa được chú trọng đầu tư dẫn đến thiếu hệ thống bảo quản, thiếu máy móc công nghệ phục vụ chế biến sâu.

Nông dân đang thu hoạch, bảo quản với công nghệ thủ công, lạc hậu, các doanh nghiệp chế biến cũng trong tình trạng bi đát không kém. Theo thống kê của Viện Kinh tế nông nghiệp, hầu hết công nghệ của các doanh nghiệp chuyên chế biến nông - lâm sản đã qua 3 - 4 thế hệ; 73% số nhà xưởng tạm bợ, chắp vá; chỉ 1- 5% sản phẩm làm ra đạt chất lượng quốc tế; 8 - 15% số doanh nghiệp đăng ký chất lượng sản phẩm; 40% doanh nghiệp không có trình độ chuyên môn, tay nghề...

Giảm tổn thất nông sản dưới 10% vào 2020

Mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đến năm 2020 giảm tổn thất đối với lúa gạo xuống còn 5 đến 6%; thủy sản, rau quả xuống còn dưới 10%. Yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu này là áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nhà nước cần đặc biệt quan tâm tới chính sách tín dụng đối với việc đầu tư công nghệ trong lĩnh vực này, bởi lẽ tiềm lực tài chính của các hộ nông dân còn rất khiêm tốn, ngay cả các hợp tác xã hay doanh nghiệp chế biến nông sản cũng gặp không ít khó khăn về vốn.

Cần khuyến khích tạo ra nguồn cung máy, thiết bị tốt, phù hợp điều kiện nước ta thông qua hỗ trợ các dự án chế tạo máy nông nghiệp, trong đó, ưu tiên chế tạo các loại máy trong nước. Phải phát triển công nghệ sau thu hoạch gắn với xây dựng nông thôn mới, quy hoạch lại sản xuất, khuyến khích “dồn điền, đổi thửa”, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi hợp tác xã, tổ chức lại sản xuất của nông dân, phát triển các tổ chức dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, tiêu thụ nông sản; mở rộng liên kết chuỗi giá trị, gắn kết hữu cơ giữa doanh nghiệp với nông dân, đồng thời tăng cường công tác đào tạo, tập huấn người sử dụng máy, thiết bị dùng trong nông nghiệp nhằm bảo đảm an toàn lao động, nâng cao hiệu quả của chính sách.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đỗ AnhTuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp, nông thôn, cần mở rộng hơn các các chương trình đào tạo, tuyên truyền nhằm trang bị kiến thức cho người nông dân để giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm lãng phí lương thực.

“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm tổn thất sau thu hoạch: Áp dụng công nghệ là yếu tố hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO