Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai mùa mưa bão
(TN&MT) - Tháng 6, Hà Giang hứng chịu đợt mưa lớn lịch sử thì bước sang tháng 7, người dân miền Bắc, đặc biệt là khu vực miền núi đã chung cảm nhận về sự khắc nghiệt của thiên tai trong mùa mưa bão năm nay. Mưa lớn kéo theo lũ quét, sạt lở đất đã phá hoại nhiều diện tích sản xuất của người dân, cuốn trôi nhà cửa, gia súc gia cầm và đau xót hơn cả là thiệt hại về nhân mạng.
Nhiều nơi thiệt hại nặng nề
Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đợt mưa lũ từ ngày 9 - 11/6 đã khiến 3 người chết, trên 1.400 ngôi nhà bị ảnh hưởng, 3 nhà bị sập hoàn toàn. TP Hà Giang ngập nặng khiến hàng trăm phương tiện ô tô, xe máy ngập nước hư hỏng. Về sản xuất, hàng trăm ha lúa, hoa màu thiệt hại, hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Cùng với đó là sạt lở gây hư hỏng nhiều tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã. Tổng thiệt hại đợt mưa lũ này gây ra ước tính 61 tỷ đồng.
Sang tháng 7, Hà Giang tiếp tục xuất hiện thêm nhiều mưa lớn nữa. Mưa dồn dập lên tới hàng trăm mm chỉ trong vòng 2 - 3 ngày, tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương trong tỉnh lên tới hàng tỷ đồng, đặc biệt là các huyện Mèo Vạc, Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê và Hoàng Su Phì. Đây là địa bàn sinh sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống sau mưa lũ lại càng thêm khó khăn hơn. Thiệt hại về người càng nặng nề, trong đó, đau xót nhất là vụ sạt lở vào rạng sáng ngày 13/7 tại Quốc lộ 34, thuộc khu vực thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê khiến 11 người thiệt mạng.
Không chỉ Hà Giang, từ đầu tháng 7 đến nay, mưa lớn trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ, kèm theo sạt lở, lũ quét, lũ ống và thiệt hại nặng nhất tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, ngập úng tại Hà Nội, Quảng Ninh. Theo Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Riêng đợt mưa do hoàn lưu bão số 2 đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, một số người mất tích.
Thiệt hại nặng nhất là tỉnh Sơn La với 9 người thiệt mạng và vẫn còn người mất tích; Ước tính thiệt hại vật chất lên tới 315 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2.300 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 59 nhà thiệt hại trên 70%, hàng trăm nhà ngập nặng… Cùng nhiều thiệt hại về giao thông, điện, nông nghiệp…
Huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) nơi trận lũ quét vào rạng sáng 25/7 khiến ít nhất 4 người thiệt mạng; 53 ngôi nhà của đồng bào cuốn trôi, vùi lấp, bị đổ sập, khoảng 46 nhà bị ảnh hưởng; hàng chục ha lúa bị vùi lấp và nhiều diện tích nuôi thủy sản của bà con bị thiệt hại hoàn toàn; trâu bò, lợn gà và gia cầm bị cuốn trôi, công trình gãy đổ hư hại... Ước tính tổng thiệt hại lên tới hơn 59 tỷ đồng.
Hiện nay, hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đều đã trải qua mưa lớn dài ngày, đất ngấm nước nên rất dễ xảy ra sạt lở, lũ quét. Nguy hiểm hơn, thiên tai thường xảy ra vào thời diểm ban đêm, rạng sáng khi người dân đang ngủ nên rất khó ứng phó. Thực tế, sạt lở, lũ quét lại là loại hình thiên tai có diễn biến rất nhanh, đột ngột, sức tàn phá lớn, khó dự đoán nên mặc dù lực lượng chức năng các địa phương đã chủ động phương án ứng phó từ trước mùa mưa lũ, nhưng cũng khó tránh khỏi những rủi ro xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), các tháng 7, 8, 9 là những tháng chính vụ của mùa mưa bão ở Bắc Bộ và Tây Nguyên. Bởi vật, trong thời gian tới, hai khu vực này sẽ tiếp tục có những đợt mưa lớn, nguy cơ lũ quét, trượt lở đất khu vực này vẫn có nguy cơ cao.
Đến tháng 9, 10, 11, mưa sẽ chuyển sang khu vực Trung Bộ. Thời điểm này trùng với khoảng thời gian hiện tượng La Nina tác động đến Việt Nam và vì vậy, có thể xảy ra những đợt mưa lớn và đặc biệt lớn ở Trung Bộ. nguy cơ xảy ra những hiện tượng thiên tai kèm theo như lũ quét, trượt lở đất ở khu vực Trung bộ ở giai đoạn cuối năm nay ở mức cao đến rất cao. Bởi vậy, chính quyền cũng như người dân các địa phương thuộc các khu vực trên cần nêu cao tinh thần sẵn sàng ứng phó thiên tai, chủ động theo dõi các bản tin thời tiết, diễn biến mưa thực tế để có phương án phòng tránh kịp thời.
Cần tuân thủ hướng dẫn phòng chống thiên tai
Về một số khó khăn chung, theo đại diện Ban chỉ huy phòng chống thiên và Tìm kiếm cứu nạn một số địa phương miền núi, do tập quán và điều kiện sinh sống của đồng bào các dân tộc ở miền núi, rất nhiều hộ gia đình sinh sống, sản xuất ở những nơi gần suối, dưới chân taluy nên khi có mưa lớn, lũ quét, sạt lở xảy ra thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế, chủ quan, còn lao động, sản xuất hoặc ở lại lán trại, nương rãy trong khi có thiên tai xảy ra. Các trang thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt là đối với loại hình lũ quét, sạt lở đất....
Ông Phạm Vũ Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân sinh sống ở khu vực có thiên tai về từng loại hình, dấu hiệu nhận biết để họ chủ động phòng chống, đặc biệt là thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Tuyệt đối không chủ quan vì tai nạn có thể xảy ra chỉ trong tích tắc, và khó có thể ứng cứu kịp thời.
Cùng với nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền địa phương phải chỉ đạo chính quyền cơ sở cũng như các lực lượng xung kích, lực lượng liên quan rà soát những khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Ông Luận nhấn mạnh, ở những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hay tuyến giao thông có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét cần đặt biển cảnh báo người dân không đi qua khu vực đó, đặc biệt là vào ban đêm. Tuyến đường sạt lở hay có ngầm tràn, nước chảy xiết qua thì ngoài biển phải có người trực tiếp hướng dẫn bà con, tuyệt đối nghiêm cấm không cho bà con đi qua. Khuyến cáo bà con không ra sông, suối vớt củi hay đánh bắt cá ở những khu vực ngập sâu, có thể bị lũ cuốn hoặc chết đuối.
Để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ do bão số 2 và chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của địa phương (trong đó cần đặc biệt lưu ý có biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất); tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo “phương châm bốn tại chỗ” bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân.
Các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan và các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính. Chỉ đạo vận hành an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; khôi phục nhanh hệ thống điện bị sự cố, bảo đảm cấp điện an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.
Kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa. Huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để có phương án chủ động sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại khi mưa lũ.
Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thiên tai, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.
Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.