Giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề

06/07/2018 14:23

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết, hiện trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) có 12 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Hoạt động tại các làng nghề với nhiều ngành nghề khác nhau như: Chế biến nông sản, dệt may, làm bánh kẹo, tạc tượng, cơ khí...

Tuy nhiên, theo quy hoạch các phân khu đô thị đều nằm trong vùng phát triển đô thị, trong tương lai phải di dời các cơ sở sản xuất ra ngoài vùng phát triển đô thị. Như vậy, vấn đề về mặt bằng sản xuất để di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề ra khỏi khu dân cư tạo mặt bằng cho các cơ sở sản xuất được ổn định và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vẫn là bài toán khó. 

Đối với vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý chất thải tại các làng nghề, hiện huyện Hoài Đức đã bố trí 70 điểm tập kết rác, bãi rác thải và 78 thùng rác dung tích 240 lít, để đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý rác thải của người dân và doanh nghiệp, tránh ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, huyện đã và đang triển khai 3 dự án nhà máy xử lý nước thải làng nghề trong đó có Nhà máy xử lý nước thải cầu Ngà (xã Dương Liễu) với công suất xử lý 20.000m3/ngày.

Thời gian đầu hoạt động của nhà máy, tình hình ô nhiễm môi trường có giảm, tuy nhiên trong quá trình vận hành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, do trong nước thải sản xuất làng nghề lẫn nhiều xơ sợi gây khó khăn cho việc xử lý nước thải.

anhh bai moi truong
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề tại Hoài Đức khá nghiêm trọng.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện Hoài Đức thường xuyên chỉ đạo UBND các xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế tuyên truyền, vận động nhân dân không xả rác thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra các hộ sản xuất kinh doanh, yêu cầu các hộ phải thực hiện việc thu gom chất thải ngay trong khu vực sản xuất, làm hố ga và lưới chắn rác để thu gom triệt để rác thải trong quá trình sản xuất, giảm thiểu tối đa việc xả thải chất thải và nước thải chưa qua xử lý ra hệ thống tiêu thoát nước chung. 

Đến nay, cơ bản tình trạng trên đã được giải quyết. Hiện nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà đang hoạt động ổn định.

Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng có công suất 8.000 m3/ngày đêm, xử lý nước thải của một phần xã Cát Quế, Yên Sở, Sơn Đồng, Đắc Sở, Tiền Yên, đang thi công và lắp đặt thiết bị, dự kiến vận hành thử trong quý III năm 2018. Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh công suất 5.000m3/ngày đêm, xử lý nước thải cho các xã Di Trạch, Vân Canh, Lại Yên, đã thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội từ tháng 11-2016. 

Ngoài ra, hàng năm, huyện tổ chức thực hiện định kỳ việc thau rửa, vớt rác trên hệ thống kênh để khắc phục, giảm thiểu tình trạng ô nhiêm môi trường của các làng nghề. 

Đến tháng 6/2018, toàn huyện Hoài Đức có 2.393 doanh nghiệp và gần 10.000 hộ sản xuất kinh doanh.

Lao động làm việc tại các làng nghề ước tính khoảng 44 nghìn lao động chiếm 31,4% tổng số lao động toàn huyện (140.000 lao động).

Trong đó, số lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khoảng 22.673 người.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói chung và các làng nghề nói riêng trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân; tăng thu cho ngân sách địa phương... 

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích từ việc phát triển kinh tế làng nghề đem lại, vấn đề xử lý rác thải vẫn là nỗi trăn trở của Hoài Đức, cần sự chung tay của cả xã hội.    

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO