Biến đổi khí hậu

Giảm thiệt hại về người và của

Vy Huyền 10/08/2023 - 11:11

(TN&MT) - Sau 10 năm Nghị quyết 24 -NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đi vào cuộc sống, các chỉ tiêu cụ thể về nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; hình thành ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, BĐKH đều đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, hiệu quả thấy rõ khi thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra giảm dần qua từng năm.

Nâng cao năng lực dự báo thiên tai, BĐKH

Không phải ngẫu nhiên mà việc xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai luôn được ưu tiên hàng đầu trong các giải pháp ứng phó BĐKH của Đảng và Nhà nước. Theo Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia của Bộ TN&MT, sự đa dạng về địa hình và vị trí địa lý đặc biệt khiến Việt Nam hằng năm hứng chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn (KTTV), như: Bão, áp thấp nhiệt đới, ngập lụt, lũ quét trong mùa mưa và nắng nóng, hạn hán, rét hại, xâm nhập mặn trong mùa khô.

Trong 10 năm từ 2013 - 2022, thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra đã giảm dần. Cụ thể, thiệt hại về người giai đoạn 2018 - 2022 là 199 người chết, mất tích/năm, giảm 18% so với giai đoạn từ 2013 - 2017 (trung bình 244 người chết, mất tích/năm). Thiệt hại về kinh tế giai đoạn 2018 - 2022 là 18.324 tỷ đồng/năm, giảm 34% so với giai đoạn từ 2013 - 2017 (trung bình 27.695 tỷ đồng/năm).

Dưới tác động của BĐKH, các loại hình thiên tai ngày càng gia tăng mức độ nguy hiểm và khó dự báo hơn, đồng nghĩa với nguy cơ gây thiệt hại trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ TN&MT nhận định, 10 năm qua, cùng với các nỗ lực tăng cường thể chế về quản lý KTTV, hệ thống giám sát BĐKH đã được thiết lập. Hệ thống trạm KTTV đã dần được hiện đại hóa, tăng số lượng và mật độ trạm, qua đó, nâng cao độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai (áp thấp nhiệt đới, bão, lũ,...).

Đến nay, cơ quan dự báo có thể đưa ra các dự báo vị trí và cường độ bão tiệm cận với trình độ dự báo của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; dự báo, cảnh báo mưa lớn hay rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh trước 2 - 3 ngày; dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1 - 2 ngày và ở khu vực Bắc Bộ trước 3 - 5; dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2 - 3 ngày với độ chính xác cao. Bộ TN&MT cũng đã cập nhật Kịch bản BĐKH và nước biển dâng trên cả nước vào năm 2016, 2020 và sắp tới là năm 2025. Đây là những căn cứ giúp ngành, lĩnh vực xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, linh động “né” thiên tai hoặc có những giải pháp ứng phó cụ thể.

Không chỉ vậy, các cơ quan chuyên môn cũng chủ động vào cuộc nghiên cứu những tai biến thiên nhiên như trượt lở đất đá, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún... để chỉ ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục, tránh gây thiệt hại trong các tình huống tương tự có thể xảy ra sau này.

Chủ động ứng phó trong cộng đồng

Đi cùng với chuyển biến trong nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH, người dân cũng như chính quyền nhiều địa phương đã có ý thức triển khai các hoạt động về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai và lồng ghép các giải pháp ứng phó vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

8a.jpg
Phòng chống thiên tai, khắc phục sự cố và tìm kiếm cứu nạn luôn nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước

Các cấp bộ, ngành, địa phương cũng quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng về phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH. Trong số 82 cảng cá ven biển đang hoạt động hiện nay, có 20 cảng loại I và 35 cảng cá loại II kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão, với 4 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng. Các chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển cũng đã nâng cấp 887km đê, góp phần đắc lực bảo vệ cuộc sống của người dân trước thiên tai. Để phòng chống hạn hán và chủ động nước cho sản xuất, giai đoạn 2016 - 2022, dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập đã được triển khai ở 34 tỉnh, bao gồm hoạt động đầu tư xây dựng mới các hồ chứa lớn ở các tỉnh Bắc miền Trung, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Mỗi mùa mưa bão, hệ thống Ban chỉ đạo về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đều đã nghiêm túc triển khai các công việc kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền, người dân đi tránh trú bão; khắc phục hậu quả bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất đá và tìm kiếm cứu nạn; tu sửa cơ sở vật chất; khám bệnh miễn phí; vệ sinh môi trường; giải phóng đường giao thông... Đặc biệt, hơn 70.000/85.900 (đạt 81%) hộ dân ở các vùng có nguy cơ thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng đã được di dời, sắp xếp, bố trí nơi ở an toàn.

Trước tình trạng nước biển dâng, các địa phương ven biển đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn. 28 tỉnh, thành phố ven biển đã xây dựng Bản đồ ngập lụt đến cấp xã (tỷ lệ 1:10.000) theo Kịch bản BĐKH và nước biển dâng phiên bản năm 2016. Ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều dự án chống ngập đã được triển khai, sắp hoàn thành, một số đang và bắt đầu thực hiện. Đối với Cần Thơ, Cà Mau cũng như một số tỉnh ven biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các dự án chống ngập đã bắt đầu triển khai.

Có thể nhìn nhận, 10 năm qua, bước chuyển biến tích cực nhất là công tác ứng phó với BĐKH đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần đáng kể vào giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên cơ sở tăng cường năng lực thích ứng cho cộng đồng. Trong bối cảnh Chính phủ đã đưa ra cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam vừa phải chú trọng thích ứng với tác động của BĐKH với trọng tâm là nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, vừa phải tiến hành đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp. Các khu vực dễ bị tổn thương cao như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực ven biển miền Trung, miền núi phía Bắc sẽ cần được tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng BĐKH. Đồng thời, thúc đẩy các giải pháp thích ứng với BĐKH gắn với giảm phát thải khí nhà kính và tăng trữ lượng các-bon hơn nữa, điển hình như trồng và phát triển các diện tích rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiệt hại về người và của
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO