Giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19

Tuyết Chinh| 13/08/2020 21:00

(TN&MT) - Công tác phòng chống thiên tai sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi chịu tác động kép từ biến đổi khí hậu cực đoan và dịch Covid-19 kéo dài phức tạp. Các địa phương cần rà soát các phương án và hành động ứng phó khi thiên tai xảy ra đảm bảo an toàn cho phòng chống dịch.

Thách thức kép

Nhận định về tình hình thiên tai trong những tháng cuối năm nay, ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay cho tới cuối năm 2020, có khả năng xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam.

Theo Qũy Nhi đồng Liên Hiệp quốc (Unicef), cùng với thiên tai, bão lũ, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thứ hai và thứ ba, đồng thời với hạn hán kéo dài và thiên tai. Bên cạnh đó là các khó khăn chồng chất, rủi ro mang tính hệ thống do tình trạng nghèo và bất bình đẳng đã có từ trước.

Ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT thảo luận về công tác phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19.

Hoạt động ứng phó thiên tai của Việt Nam đang đứng trước những thách thức khi xảy ra khủng hoảng kép. Trong đó, các vấn đề nổi cộm có thể kể đến như: thiếu hụt kỹ năng xử lý tình huống khi sơ tán; khủng hoảng truyền thông; quá tải trang thiết bị y tế, hậu cần; thiếu hụt nguồn lực hỗ trợ; khó khăn trong việc tiếp cận, hỗ trợ trực tiếp tại chỗ; tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh…

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (BCĐ TWPCTT) cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, công tác phòng, chống thiên tai phải tiến hành đồng thời với công tác phòng, chống dịch bệnh nên việc trao đổi kinh nghiệm để tìm giải pháp chủ động và phù hợp là rất cần thiết.

Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai là diễn đàn rất phù hợp để trao đổi, học tập kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam tốt hơn trong công tác chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với các rủi ro và thảm họa kép.

Sẵn sàng kịch bản ứng phó “thảm họa kép”

Từ kinh nghiệm trong công tác ứng phó bão số 2 (Sinlaku) vừa qua trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Hiệp – Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cho rằng, cần chủ động xác định các tình huống có thể xảy ra trong điều kiện ứng phó dịch bệnh Covid-19; lập phương án ứng phó góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Đồng thời, rà soát, xây dựng phương án PCTT&TKCN trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, theo phương châm 4 tại chỗ. Cần lưu ý vấn đề sơ tán dân, đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm tại nơi sơ tán tập trung, đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm tại nơi sơ tán tập trung, đảm bảo trang thiết bị y tế, hóa chất khử trùng…

Từ nay đến cuối năm, có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ảnh minh họa

Phó Trưởng BCĐ TWPCTT Trần Quang Hoài đã đưa ra một số hành động trong thời gian tới; trong đó nhấn mạnh việc xem xét việc hình thành một số kho y tế, ở vùng thường xuyên xảy ra thiên tai để chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai. Đặc biệt, xác định công tác truyền thông về phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng; tuy nhiên hiện các tài liệu và phương pháp truyền thông còn hạn chế. Do vậy, cần quan tâm xây dựng tài liệu và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin tại cơ sở.

“Trước tình hình diễn biến mưa lũ phức tạp, cần sẵn sàng các kịch bản ứng phó với mưa lũ lớn trong bối cảnh dịch covid-19, chuẩn bị sẵn các phương tiện, công cụ hỗ trợ ứng phó nhanh”, ông Hoài lưu ý. 

Ngoài ra, ông Hoài cũng đề nghị văn phòng Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tiếp tục tăng cường công tác chia sẻ thông tin, các bài học kinh nghiệm và hình thành nhóm hỗ trợ kỹ thuật để thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường phối hợp hỗ trợ Chính phủ và người dân đảm bảo an toàn trước thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Khuyến cáo GWP - 10 nguyên tắc ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch covid-19:

1. Nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo về giảm thiểu rủi ro thiên tai về đại dịch.

2. Tích hợp các hành động về quản lý rủi ro thiên tai và đại dịch.

3. Cung cấp nước sạch, vệ sinh và vệ sinh bền vững trước, trong và sau thảm họa.

4. Bảo vệ người quản lý thảm họa khỏi mối đe dọa của Covid-19.

5. Bảo vệ các nguồn lực y tế khỏi tác động của thiên tai, thảm họa.

6. Bảo vệ người di tản khỏi dịch bệnh Covid-19.

7. Bảo vệ bệnh nhân Covid-19 khỏi nguy cơ rủi ro/thảm họa.

8. Xây dựng hướng dẫn sơ tán chuyên biệt cho các thành phố và khu vực ảnh hưởng Covid-19.

9. Bố trí kinh phí để giảm thiểm rủi ro thiên tai trong bối cảnh Covid-19 một cách hiệu quả để tránh thảm họa kinh tế.

10. Tăng cường đoàn kết toàn cầu và hợp tác quốc tế để đối phó với những thách thức cùng xảy ra nhằm xây dựng thế giới trở lại điều kiện tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO