(TN&MT) - Mặc dù trong bản đồ địa chính có thể hiện ngõ đi chung từ đất nhà ông A ra đường của thôn. Việc tranh chấp ngõ đi chung có thuộc thẩm quyền của Tòa án không?
Câu hỏi: Ông A mua đất của ông B, khi mua đất có một lối đi chung với ông B (ông B còn có một lối đi khác). Khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông A thì Ủy ban nhân dân không thể hiện trong đó có lối đi chung với ông b. Mặc dù trong bản đồ địa chính có thể hiện ngõ đi chung từ đất nhà ông A ra đường của thôn. Việc tranh chấp ngõ đi chung có thuộc thẩm quyền của Tòa án không?
Văn phòng Luật sư Trịnh (Đoàn luật sư Hà Nội) trả lời:
Cơ sở pháp lý:
- Luật đất đai 2013;
- Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Thủ tường Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2014;
- Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai.
Giải quyết tranh chấp lối đi chung có thuộc thẩm quyền tòa án? - Hình minh họa |
Tranh chấp lối đi chung giữa các bên được giải quyết như sau:
Khi có tranh chấp xảy ra thì UBND cấp xã sau khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông A và ông B có trách nhiệm:
- Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;
- Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải;
- Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành (Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP).
Nếu hòa giải thành thì tranh chấp giữa ông A và ông B đã được giải quyết, các bên có trách nhiệm thực hiện đúng kết quả trong phiên hòa giải tại UBND cấp xã.
Nếu hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì UBND cấp xã (nơi xảy ra tranh chấp) lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nếu hòa giải không thành thì tranh chấp được giải quyết như sau:
+) Trường hợp: Đất thổ cư của ông B đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đó có cả diện tích lối đi cũ thì việc giải quyết tranh chấp lối đi đó thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.
+) Trường hợp: Lối đi hiện nay còn tồn tại Nhà nước chưa công nhận cho ai sử dụng nếu ông A tranh chấp với ông B về quyền sử dụng lối đi này thì ông A có quyền lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết sau đây:
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp huyện theo quy định tại Điểm a, khoản 2, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013;
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.
Khoản 2 Điều 203 Luật đất đai 2013: “Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Mậu A