Giải quyết thách thức, hoàn thiện chính sách, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển bền vững

Khương Trung - Trường Giang| 23/12/2020 15:34

(TN&MT) - Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của Tổng cục Quản lý đất đai, sáng 23/12, tại Hà Nội.

Cùng dự có Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021 của Tổng cục Quản lý đất đai

Tháo gỡ các vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Đất đai

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết, trong năm 2020, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉnh sự chỉ đạo, điều hành của Bộ TN&MT, sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ, cùng nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ đột xuất đã được các đơn vị chủ trì, phối hợp hoàn thành theo đúng chỉ đạo, đảm bảo chất lượng.

Trong đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được khẩn trương triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khi triển khai thi hành luật đất đai. Điển hình như: Tổng cục trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định này đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Quy hoạch; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xác định hình thức giao đất, cho thuê đất đối với đất các thửa đất nhỏ hẹp do nhà nước quản lý, các trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy đối với các dự án phát triển nhà ở; sửa đổi, bổ sung một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT

Nhìn nhận lại kết quả năm 2020 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết, ngay sau khi Quốc hội không đưa dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, Tổng cục đã chủ động tham mưu, trình Ban Cán sự Đảng của Bộ báo cáo Ban Cán sự Đảng của Chính phủ về việc tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đồng thời, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1188 ngày 4/8/2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trình Trưởng ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch Tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Thực hiện sự phân công của Bộ, trong quý III và IV/2020, Tổng cục đã chủ trì phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng hoàn thành và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2021.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến phát biểu tại Hội nghị

Đặc biệt, để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, trong năm 2020, Tổng cục đã tập trung xây dựng và hoàn thiện trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định: Nghị định số 06/2020/NĐ-CP ngày 3/1/2020 sửa đổi, bổ sung Điều 17 Nghị định số 47 ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai; trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định về hệ thống thông tin đất đai.

Năm 2020, Tổng cục đã cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực đất đai. Các văn bản sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Luật đất đai, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Song song với quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật Tổng cục Quản lý đất đai cũng chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan để phổ biến chính sách, pháp luật đất đai đến tổ chức, người dân và doanh nghiệp, đồng thời, cũng tiếp nhận những phản hồi chính sách để tiếp tục rà soát, sửa đổi, bảo đảm tính khả thi của chính sách, pháp luật đất đai.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đoàn Thị Thanh Mỹ phát biểu tại Hội nghị 

Về công tác quy hoạch, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, đã hoàn thành và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 67 ngày 12/5/2020 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Rà soát, tổng hợp và trình Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh tăng 10.896 ha chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp và tăng 5.174 ha chỉ tiêu sử dụng đất ở tại đô thị cho một số tỉnh, thành phố để bảo đảm quỹ đất đón làn sóng chuyển dịch đầu tư sau đại dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 11 ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Về công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Tổng cục đã tập trung chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện một số giải pháp để tiếp tục đẩy nhanh việc cấp GCN và xây dựng CSDL đất đai.

Kết quả đến nay, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ cấp GCN lần đầu tổng hợp từ kết quả thực hiện của các địa phương đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Hoàn thiện báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 112 về kết đo đạc, rà soát cắm mốc giới và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp. Chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về Văn phòng Đăng ký đất đai và Hệ thống thông tin đất đai để trao đổi, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hoạt động và quá trình xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai...

Về các công tác định giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Công tác thống kê, thanh tra và kiểm tra đất đai; công tác cải cách hành chính; công tác kế hoạch, tài chính; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế... đều đạt những kết quả tích cực.

Cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai

Cũng theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, trong năm 2021, Tổng cục sẽ tiếp tục nỗ lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch được giao, cụ thể: sẽ Tổ chức thực hiện theo kế hoạch các nội dung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, hoàn thiện trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Tổ chức thực hiện theo kế hoạch các nội dung về Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị

Đồng thời, phấn đấu hoàn thành 100% văn bản thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tiến độ đề ra; ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, bất cập và gắn với tăng cường phổ biến, tổ chức thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trong quá trình xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật…

Gỡ vướng đưa nguồn lực đất đai phục vụ phát triển bền vững

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn và kỳ vọng sẽ quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong triển khai các nhiệm vụ chính trị đặt ra từ thể chế chính sách, pháp luật, quy hoạch đến ứng dụng công nghệ trong quản lý để sử dụng hiệu quả, phát huy nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước trong giai đoạn trước mắt là cho các thế tương lai.

Sự kỳ vọng đó của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là có căn cứ khi ngành Quản lý đất đai có được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp đoàn kết của các đơn vị trong Bộ và đặc biệt là sự quyết tâm của các cán bộ đang công tác trong ngành.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị cần giải quyết những thách thức, hoàn thiện chính sách, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển bền vững

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, qua các chỉ số đánh giá khách quan của các tổ chức thế giới, của doanh nghiệp và người dân cho thấy, sự hài lòng được tăng lên theo từng năm. Trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai (một trong những chỉ số khó cải thiện do tính khan hiếm của đất) đạt 6,86 điểm tăng 1,05 điểm so với năm 2016; chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp GCN tăng 13% so với năm 2016; tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận giảm 34%. Trong giai đoạn 2016 - 2020 đã chuyển dịch hơn 230 nghìn ha đất sang các mục đích phi nông nghiệp đáp ứng yêu cầu mặt bằng cho phát triển kinh tế xã; đưa 926 nghìn ha đất chưa sử dụng vào sử dụng chủ yếu cho phát triển rừng…

Kết quả này là thực chất bởi ngành đã tập trung nhưng giải quyết đúng những vấn đề từ thực tiễn thực thi, của người dân, doanh nghiệp; ban hành và tham mưu các văn bản pháp luật đúng đắn, cởi những nút thắt vướng mắc để tạo cú hích cho đà phục hồi và phát triển của thị trường.

Trong thời gian tới, để giải quyết các tồn đọng, vướng mắc, khó khăn để hoàn thành các mục tiêu đề ra, khẳng định vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên môi trường nói chung và đất đai nói riêng, Bộ trưởng đề nghị, toàn thể lãnh đạo, cán bộ viên chức ngành Quản lý đất đai tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa. Ngay từ bây giờ cần xây dựng đề cương tổng kết, xác định các vấn đề cần làm sáng tỏ về mặt lý luận, thực tiễn; nghiên cứu chính sách, mô hình quản trị nhất là về quy hoạch, giá đất, xây dựng cơ sở lý luận thực tiễn, xác định cơ chế, công cụ kinh tế để giải quyết khiếu nại…

Quang cảnh Hội nghị

Tập trung triển khai việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, trong đó, cần phải thay đổi về tư duy, cách làm; áp dụng khoa học công nghệ để có thể đánh giá toàn diện và đưa ra các giải pháp để giải quyết được vấn đề khó khăn hiện nay như hoang mạc hóa đất đai, tình trạng lạm dụng khai thác nước ngầm, sạt lở bờ biển, xâm nhập mặn…

Chuyển đổi số, quản trị hiệu quả đòi hỏi phải có hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai. Tổng cục khẩn trương tái cấu trúc dự án ViLG; rà soát trình ban hành các quy định về khung pháp lý cho vận hành hệ thống thông tin đất đai sau khi kết thúc dự án như phân quyền quản trị dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, trách nhiệm xây dựng, cập nhật thông tin và cơ chế tài chính để quản trị vận hành hệ thống thông tin đất đai của các cấp.

Cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ trẻ, chuyên nghiệp, nhiệt huyết và hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo từng đơn vị để đảm bảo phát huy năng lực, sở trường, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các lãnh đạo, cán bộ trong ngành tiếp tục đoàn kết, kỷ cương, chủ động, tâm huyết, sáng tạo và giàu khát vọng để ngành quản lý đất đai đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước; khẳng định vị thế của ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết thách thức, hoàn thiện chính sách, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO