Giải quyết ô nhiễm môi trường tại làng nghề truyền thống: Nan giải bài toán vốn đầu tư

04/12/2014 00:00

(TN&MT) - Đầu tư một cách đồng bộ luôn là một bài toán nan giải trong việc giải quyết vấn đề môi trường làng nghề.

(TN&MT) – Nghề và làng nghề truyền thống hiện đã trở thành động lực và là tiềm năng quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái của các làng nghề truyền thống đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội nông thôn, tác động xấu đến sức khoẻ cộng đồng, làm suy giảm nghiêm trọng môi trường du lịch vốn là một hướng phát triển tiềm tàng của các làng nghề Việt Nam.
   
Đầu tư một cách đồng bộ: Khó hay dễ?
   
  Sản xuất tại các làng nghề truyền thống là rất đa dạng và khá phức tạp, phong phú về thể loại, quy mô và hình thức sở hữu, có lẽ đây chính là một trong những khó khăn khi đặt vấn đề đầu tư một cách đồng bộ để giải quyết vấn đề môi trường làng nghề.
   
  Theo ThS. Trịnh Xuân Thắng - Học viện Chính trị khu vực IV, để phát triển các làng nghề truyền thống một cách bền vững thì phát triển làng nghề cần gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái. “Tuy nhiên, để các làng nghề truyền thống có thể phát triển đồng hành với quá trình bảo vệ môi trường sinh thái thì lại đòi hỏi một hệ thống các giải pháp đồng bộ với rất nhiều công việc cần phải làm. Trong đó, vốn đầu tư là một trong những khó khăn trong việc giải quyết vấn đề môi trường làng nghề. Có vốn, các cơ sở sản xuất mới có thể đầu tư máy móc mới, áp dụng công nghệ hiện đại cũng như mở rộng quy mô sản xuất. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách thông thoáng để các cơ sở sản xuất có tiềm năng phát triển nhưng thiếu vốn dễ tiếp cận nguồn vốn như có cơ chế cho vay ưu đãi, ưu đãi thuế…” – ThS. Trịnh Xuân Thắng nhìn nhận.
   
Làng nghề truyền thống cần mở rộng quy mô để nâng cao hiệu quả kinh tế
   
  Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam thì muốn giải quyết đồng bộ, vốn đầu tư nên tập trung ưu tiên giải quyết các nội dung trọng điểm như: Đầu tư xây dựng quy hoạch không gian làng nghề; Đầu tư cho việc đào tạo, truyền thông, nâng cao hiểu biết cho người dân tại chính các làng nghề về tất cả những vấn đề liên quan đến môi trường (công nghệ, ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường); Đầu tư công nghệ xử lý môi trường (nước thải, chất thải rắn, chất thải khí, tiếng ồn…) đối với các cơ sở sản xuất làng nghề; Đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý môi trường làng nghề (Khu thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn, hệ thống thoát nước, trồng cây xanh…); Đầu tư hệ thống giám sát môi trường nhằm đánh giá đúng tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề.
   
  Bà Mai Thị Nhâm, chủ doanh nghiệp móc sợi và cũng từng là chủ cơ sở sản xuất mây tre đan ở xã Phú Lương (Đông Hưng - Thái Bình) cho biết: Với một doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ thì hiệu quả kinh tế mang lại từ việc kinh doanh không thể cao bằng các doanh nghiệp, cơ sở có nhiều chi nhánh sản xuất. “Tôi cũng rất muốn mở rộng quy mô sản xuất, muốn đầu tư cho nhân lực đi học các khoá đào tạo để nâng cao tay nghề, tuy nhiên vốn đầu tư là trở ngại rất lớn khiến tôi không thể thực hiện được kế hoạch này. Ngoài ra, nhiều lượt hàng bị trả lại do lỗi nên tôi không lấy đâu ra vốn mà ứng trước cho thợ.” – bà Nhâm chia sẻ.
   
Loay hoay vốn đầu tư
   
  TS. Tôn Gia Hóa đến từ Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: “Thực tế cho thấy, nếu đầu tư đúng chỗ thì vấn đề bảo vệ môi trường mặc dù nan giải nhưng sẽ từng bước được giải quyết. Tuy nhiên với những đặc thù của sản xuất làng nghề là manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, trình độ công nghệ thấp, lạc hậu… thì việc tiếp cận các nguồn vốn nói chung là rất khó khăn và lại càng khó khăn hơn đối với những nguồn vốn liên quan đến bảo vệ môi trường, những nguồn vốn này thì ngay đối với những nhà máy có quy mô lớn hơn cũng gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận.”
   
  Khi được hỏi tại sao không mở rộng quy mô sản xuất ra nhiều xã khác, ông Nguyễn Văn Mộc, chủ cơ sở sản xuất rèn gia truyền tại tổ 8, Đa Sỹ (Kiến Hưng – Hà Nội) bày tỏ: “Xưởng rèn gia truyền nhà tôi bao đời nay chỉ có một cơ sở sản xuất duy nhất ở tổ 8. Thực ra, nếu mở rộng cơ sở sản xuất ra nhiều nơi khác thì thu nhập kinh tế sẽ cao hơn nhiều nhưng việc mở rộng đó đâu có dễ? Nào là vốn đầu tư cho việc thuê hay xây mới một cơ sở sản xuất, vồn đầu tư cho máy móc mới, áp dụng công nghệ hiện đại…”
   
   
Nhiều doanh nghiệp làng nghề tham gia vào các cuộc triển lãm tại Hà Nội
   
  Để giải quyết vấn đề này, TS. Tôn Gia Hóa đề xuất một số giải pháp như: Xác định những dự án trọng điểm căn cứ vào quy hoạch phát triển làng nghề và tình hình thực tế của địa phương; Xây dựng các dự án khả thi trên cơ sở có sự tham gia của người dân tại các làng nghề và các cơ quan hữu quan các cấp; Để bảo vệ môi trường làng nghề, không thể chỉ giải quyết tại từng hộ sản xuất riêng lẻ, vì vậy phải tổ chức liên kết thành các cụm, nhóm theo vị trí địa lí hoặc chủng loại nguyên liệu, sản phẩm hay đặc trưng công nghệ, chủng loại chất thải…
   
  Theo TS. Tôn Gia Hóa thì những giải pháp này đã được xác định chính trên những khó khăn hiện tại mà các làng nghề đang gặp phải, đó là việc quy hoạch chưa được đồng bộ, hiệu lực quy hoạch tại một số địa phương chưa cao; các làng nghề chưa đủ kỹ năng xây dựng dự án và khả năng liên kết trong sản xuất còn rất hạn chế. “Vốn đầu tư luôn là vấn đề trong việc bảo vệ môi trường xanh tại các làng nghề, tuy nhiên nếu thiếu những giải pháp đồng bộ thì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí vốn mà môi trường vẫn tiếp tục bị huỷ hoại!” – TS.Tôn Gia Hóa khẳng định.
   
        
       Hiện có hơn 60% số làng nghề đang hoạt động cầm cự, 20% đang thật sự khó khăn và 20% còn lại đã phá sản. 90,4% làng nghề thiếu lao động, chỉ có 9% làng nghề có đủ lao động và 0,6% làng nghề thừa lao động. Số lao động đã qua đào tạo bình quân tại các làng nghề chỉ là 12,3%. Việc dạy nghề tại các làng nghề phần lớn theo lối truyền nghề trong các gia đình, cầm tay chỉ việc (78,21%) hoặc tổ chức những lớp học ngắn ngày cho con em trong địa phương (21,4%).
        
    
   
   
Bài và ảnh: Mai Đan
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết ô nhiễm môi trường tại làng nghề truyền thống: Nan giải bài toán vốn đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO