Giả mạo chữ ký thế chấp quyền sử dụng đất.

25/04/2016 00:00

(TN&MT) – Bố mẹ tôi lấy nhau được 20 năm. Trong suốt quá trình lao động và phấn đấu, hai người mua được một mảnh đất rộng 300m2. Do làm ăn thua lỗ, bố mẹ tôi đã thế chấp mảnh đất đó cho ngân hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016, do bố tôi cần tiền để giải quyết việc riêng nên đã giả mạo chữ ký của mẹ tôi để thế chấp tiếp diện tích đất trên cho một cá nhân khác. Xin hỏi, hành động này của bố tôi có vi phạm pháp luật không? Quyền lợi của mẹ tôi được bảo vệ như thế nào?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trả lời

Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Dân sự năm 2005 về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình như sau:

"1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.

2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý."

Ngoài ra, Điều 348 Bộ luật Dân sự năm 2005 về nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản được quy định như sau: "Bên thế chấp tài sản có các nghĩa vụ sau đây: Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị; Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trong trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền huỷ hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp; Không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp.”

Từ các quy định trên nhận thấy, bố mẹ bạn đã thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng trước khi thế chấp cho người khác. Như vậy, bố bạn không thể thế chấp quyền sử dụng đất đối với mảnh đất trên cho cá nhân khác nếu như bên ngân hàng không biết và người mà bố bạn vay tiền không biết. Mặt khác, đây là tài sản chung, do đó, việc thế chấp cần phải có cả bố và mẹ bạn đồng ý, ký vào. Như vậy, hợp đồng thế chấp giữa bố bạn và người bố bạn vay tiền vô hiệu. Do đó, hậu quả pháp lý giải quyết theo Điều 137 BLDS 2005 như sau:  “1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường"

Ngoài ra, nếu bố mẹ bạn không tự dàn xếp và thỏa thuận giải quyết sự việc trong hòa bình, bố bạn có thể bị xử lý hình sự đối với hành vi giả mạo chữ ký trên.

Cụ thể, theo Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".

Báo TN&MT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giả mạo chữ ký thế chấp quyền sử dụng đất.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO