Gia Lâm, Hà Nội: Lạ lùng chuyện người dân “thờ ơ” với nước sạch

31/07/2018 16:22

(TN&MT) – Mặc dù nhà nước đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng trạm cấp nước sạch cho người dân hai xã Ninh Hiệp và Kim Lan (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), nhưng một nghịch lý đang xảy ra ở đây là người dân không mặn mà với việc sử dụng nguồn nước của trạm.

Đầu tư tiền tỷ rồi bỏ không?

Theo tìm hiểu của PV, từ những năm 2003, thành phố Hà Nội đã có chủ trương đầu tư, xây dựng trạm cấp nước sạch ở hai xã Ninh Hiệp và Kim Lan nhằm cung cấp nguồn nước đảm bảo cho từng hộ dân. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, hai dự án nằm “đắp chiếu”, nhiều hạng mục bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng. Chính vì thế, ngày 5/4/2017, thành phố Hà Nội chấp thuận cho Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải làm chủ đầu tư hai dự án: Tiếp nhận, cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước sạch xã Ninh Hiệp (tổng vốn đầu tư hơn 47,2 tỷ đồng) và Tiếp nhận, đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch xã Kim Lan (tổng vốn đầu tư 34,688 tỷ đồng).

nha may nuoc sach bo hoang o Kim Lan 1
Trạm cấp nước sạch ở xã Kim Lan đang bị xuống cấp

Tuy nhiên, người dân nơi đây cho biết, quá trình nâng cấp, cải tạo không được đồng bộ, nhiều hạng mục của công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ống bơm, ống dẫn nước nhiều chỗ còn bị han gỉ, bục, vỡ khiến cho nguồn nước không đảm bảo. Nhiều hộ dân e ngại khi sử dụng nguồn nước của các trạm này.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Hải, người dân ở xã Kim Lan cho biết: “Do đường ống nước đã xuống cấp, thường xuyên xảy ra rò rỉ nên tỷ lệ thất thoát nước rất lớn. Nếu sử dụng nguồn nước này của trạm, chúng tôi lo ngại chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo. Bên cạnh đó, đường ống bị hoen gỉ nhiều nên những cặn gỉ sẽ thôi vào nguồn nước. Chúng tôi e sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng khi sử dụng vào việc ăn uống, tắm giặt hàng ngày”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nhuần, một người dân sống tại xã Ninh Hiệp cho hay: “Công trình nước sạch xã Ninh Hiệp chuyển nhượng đi chuyển nhượng lại mấy lần, sau đó bỏ hoang nhiều năm nên chúng tôi buộc phải khoan giếng để dùng. Trước khi trạm được nâng cấp để có nguồn nước sạch như hiện nay, gia đình tôi đã đầu tư nhiều tiền bạc vào công nghệ lọc nên chất lượng nước bảo đảm hơn. Vì thế, chúng tôi không dùng nguồn nước của trạm”.

Được biết, tỷ lệ các hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch tại hai xã này rất thấp. Phần lớn, họ tự đào giếng rồi mua các thiết bị lọc nước về rồi tự sử dụng. Thành ra, hiệu quả đầu tư của hai dự án trên không được như kỳ vọng. Gần 100 tỷ đồng tiền đầu tư của nhà nước có nguy cơ bị lãng phí, sử dụng thiếu hiệu quả.

Đắp chiếu đến bao giờ?

Báo cáo của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải gửi UBND thành phố Hà Nội vào ngày 15/01/2018 cho biết, tại xã Ninh Hiệp, dự án đã thi công xong 80% mạng dịch vụ các ngõ xóm, các hộ dân thôn từ 1 – 9 và các trung tâm thương mại trong xã. Trạm cấp nước sạch có thể cấp nước cho 3960/4100 hộ nhưng thực tế mới có 1150 hộ sử dụng nước.

nha may nuoc sach bo hoang o Kim Lan 2
Một số hạng mục của dự án này đang bị xuống cấp

Tại xã Kim Lan, trạm cấp nước sạch có thể cấp nước cho 6/8 thôn trong xã (khoảng 1350/1800 hộ) và khu trung tâm xã có mạng đường ống cấp nước đến cổng các hộ sử dụng nhưng mới có 810 hộ đăng ký lắp đặt sử dụng nước. Phía công ty cho biết, nguyên nhân là do trước đây dự án triển khai chậm (từ năm 2004 – 2012) nên việc cấp nước cho các hộ dân bị trậm chễ. Trong khi chờ đợi, nhiều hộ đã tự khoan giếng, xây dựng hệ thống bể lọc nên chưa chuyển sang dùng nước sạch tập trung.

Cũng tại báo cáo này, công ty thừa nhận tình trạng một số hạng mục của dự án bị xuống cấp những nguyên nhân là do … yếu tố khách quan. Cụ thể, công ty này cho rằng họ chưa nhận được bàn giao mặt bằng xây dựng khu xử lý bùn lắng sau nhà máy tại dự án trạm cấp nước Ninh Hiệp. Trong khi đây là một hạng mục không thể thiếu trong hệ thống sản xuất nước sạch tập trung. Nguyên nhân khác là do công ty thiếu vốn.

Theo chủ trương khi phê duyệt dự án, doanh nghiệp sẽ  được Quỹ Đầu tư và Phát triển TP. Hà Nội cho vay 60 – 80% tổng vốn. Thế nhưng doanh nghiệp chưa thể tiếp cận ngân hàng để vay vốn do các ngân hàng đánh giá các dự án cấp nước kém hiệu quả, điều kiện thế chấp khó khăn, chưa đủ cơ sở pháp lý thế chấp cần thiết. Thành ra khó khăn chồng khó khăn dẫn đến hai dự án bị chậm tiến độ, một số hạng mục xuống cấp.

Trong khi đó, trao đổi nhanh với PV, bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết, nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ là do năng lực của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải yếu kém, nhiều hạn chế. Hơn nữa, dự án đang tạm dừng để chờ kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội theo Quyết định số 48 QĐ/TTTP ngày 5/1/2018 về việc thanh tra các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Như vậy, 15 năm qua từ khi thành phố Hà Nội có chủ trương đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch tại hai xã Ninh Hiệp và Kim Lan, người dân nơi đây vẫn chưa thực sự được sử dụng nước sạch. Trong khi đó, hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước bị sử dụng thiếu hiệu quả, lãng phí. Trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Câu hỏi đó xin nhường cho các cơ quan hữu quan của thành phố Hà Nội trả lời.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm, Hà Nội: Lạ lùng chuyện người dân “thờ ơ” với nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO