Theo công văn này, nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới mà Gia Lai là tỉnh có đường biên giới với nước bạn Campuchia. Hiện tại, dù tỉnh Gia Lai chưa phát hiện ổ dịch song để chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, hạn chế thấp nhất thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra nhằm phát triển chăn nuôi của tỉnh bền vững, tỉnh đã đề ra hai tình huống là chưa phát hiện và phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi để đưa ra biện pháp ứng phó.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, đặc biệt là các huyện có đường biên giới giáp với Campuchia tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất về việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các biện pháp cụ thể là kiểm soát vận chuyển bằng cách nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn từ nước ngoài, từ các tỉnh có dịch, nghi có dịch vào tỉnh; tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào tỉnh; tiêu hủy đối với lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; tổ chức triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; rà soát các chợ, điểm trung chuyển, tập kết lợn sống trên địa bàn, các cơ sở giết mổ lợn tập trung, đặc biệt các địa bàn có buôn bán lợn sống không rõ nguồn gốc để giám sát, lấy mẫu giám sát bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn cụ thể theo số trại, số hộ chăn nuôi của từng địa phương (cấp xã) để có số liệu ước tính kinh phí ứng phó, xử lý và kiểm soát kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, Công an tỉnh phối họp với chính quyền địa phương vùng giáp biên giới đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển lợn sống, sản phẩm của lợn qua biên giới; tổ chức tiêu hủy tất cả lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu qua biên giới.