Ghi tên 1 người trong sổ đỏ chung của 2 vợ chồng

08/09/2017 00:00

(TN&MT) – Vợ chồng tôi vừa mới mua chung một ngôi nhà trên phố Bà Triệu, Hà Nội. Tuy nhiên, vì một số lí do gia đình mà chúng tôi không muốn cùng đứng tên trên sổ đỏ. Xin hỏi, chồng tôi có thể một mình đứng tên trên sổ đỏ hay không? Sau này, chúng tôi có thể đổi lại ghi tên cả hai vợ chồng trên sổ đỏ hay không?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013: Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu”.

Như vậy, vợ chồng bạn hoàn toàn có thể thỏa thuận để ghi tên 1 người vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau này, nếu muốn đổi lại ghi tên hai người thì gia đình bạn có thể xin cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, để ghi tên 1 người vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vợ chồng bạn phải có văn bản thỏa thuận về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân có công chứng trong đó xác định tài sản đó là tài sản riêng của người ghi tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Lưu ý, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu theo Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

+ Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây: Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Báo TN&MT

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi tên 1 người trong sổ đỏ chung của 2 vợ chồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO