Đô thị mới thiếu cây xanh
Theo số liệu của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, hiện TP có khoảng trên 500.000 cây xanh là thực vật thân gỗ làm cảnh và bóng mát, thuộc 175 loài, 55 họ thực vật. Bên cạnh những loài cây truyền thống như sấu, bàng, phượng vĩ, xà cừ, sao đen, hoa sữa, lộc vừng, liễu... thì nhiều loài được nhập từ địa phương khác hoặc từ nước ngoài như: Gõ đỏ, trôm, vàng anh, hoàng lan, keo lá tràm, keo tai tượng, muồng đen, trứng cá, bằng lăng ấn, cọ dầu… đang từng bước xanh hóa đô thị Hà Nội.
Mức độ thích nghi sinh thái tự nhiên của cây xanh đô thị Hà Nội tương đối đa dạng. Kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu môi trường do PGS.TS Trần Văn Thụy – Trưởng bộ môn Sinh thái Môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội) hướng dẫn cho thấy, trong số 127 loài thực vật cây gỗ sinh trưởng tại Hà Nội, tỷ trọng các loài cây bản địa chiếm tới 78,8%, các nhóm cây nhập khoảng 21,2%. Đa số các loài cây thường xanh, chỉ có một số loài rụng lá theo mùa như cây tếch, bàng, phượng...
Hệ thống cây xanh có nhiều giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần và giúp cải thiện tích cực môi trường không khí. Trong đô thị, cây xanh còn tạo ra cảnh quan sinh thái, điều hòa khí hậu ở các tiểu khu vực.
Theo TS.KTS Hoàng Hữu Phê - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sức ép từ các hoạt động của con người đang làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật trong đô thị. Tại nhiều tuyến phố, người dân tận dụng cây xanh để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh như treo biển quảng cáo. Bên cạnh đó, do các công trình xây dựng dân sinh được xây dựng với mật độ lớn, vỉa hè hẹp khiến cho cây xanh phải nghiêng ra phía lòng đường để tìm không gian sống.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, hiện nay, không gian cây xanh trong đô thị, đặc biệt ở các khu đô thị mới đang bị thiếu trầm trọng. “Tại nhiều khu đô thị mới, chủ đầu tư tận dụng tối đa diện tích để xây dựng, làm mất đi không gian dành cho cây xanh. Một số dự án, chủ đầu tư còn tận dụng hệ thống cây xanh công cộng để làm cây xanh cho dự án” - ông Trần Ngọc Chính nói.
Thực tế khảo sát tại một số khu đô thị như trung tâm bán đảo Linh Đàm tỷ lệ xây dựng chiếm đến 90%, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính tỷ lệ xây dựng khoảng 45 – 50%, nhưng mật độ xây dựng tương đối dày nên không gian dành cho công viên cây xanh cũng bị hạn chế. Tình trạng này còn xảy ra ở nhiều khu đô thị mới khác và đặc biệt dự án đơn lẻ thì diện tích dành cho cây xanh gần như không có.
Tạo nét đặc trưng riêng bằng quy hoạch
Cũng theo số liệu của Nhóm nghiên cứu môi trường, cây có chiều cao trên 20m chiếm tỷ lệ cao nhất với 43 loài, chiếm 41,35 % tổng số loài cây được điều tra. Qua đó cho thấy, cây gỗ trên địa bàn Hà Nội chủ yếu là các loài cây có chiều cao lớn (trên 20m), tuổi thọ và có tính ổn định cao, cho bóng mát với độ che lớn. Các loài cây này đã tạo nên kiến trúc cảnh quan cây xanh mang bản sắc riêng của Hà Nội xanh, cổ kính.
Mặc dù không gian xanh bình quân đầu người tăng từ 2,5m2/người năm 1991 lên 4,7m2/người nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức 18m2/người là mục tiêu đề ra cho năm 2020. Hiện nay, TP còn thiếu diện tích cho phát triển công viên cây xanh. Ngay trong khu vực nội thành cũ, nơi có tỷ diện tích công viên khá cao khoảng 135ha với bình quân 1,3m2/người nhưng vẫn thấp so với mục tiêu 7m2/người vào năm 2020. Ngoài ra, trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh như Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ đạt 0,05m2/người.
Ngoài những vấn đề trên, PGS.TS Trần Văn Thụy cho biết, quy hoạch cây xanh trên một số tuyến phố cũng chưa hợp lý, gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống. Ví dụ việc trồng hoa sữa với mật độ cao gây mùi khó chịu và dị ứng hô hấp cho người dân; hay một số loài cây có mủ độc, gây viêm da dị ứng như trúc đào...
Từ thực tế trên, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, để mở rộng không gian cây xanh cho đô thị, vấn đề quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh cần phải được gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị. “Việc thiết kế cảnh quan cây xanh đô thị sẽ tạo ra những nét đặc trưng riêng cho các tuyến phố đô thị trung tâm và các trục đường giao thông” - ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Cùng với mở rộng không gian cây xanh, phải mở rộng diện tích mặt nước. Hiện nay, trên địa bàn TP có khoảng 160 hồ nước và hồ điều hòa. Hiếm có Thủ đô nào trên thế giới có nhiều sông, hồ như Hà Nội. Nhưng trong những năm gần đây, hệ thống sông, hồ phần nào bị thu hẹp do phải xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ quá trình đô thị hóa. Vì vậy, việc khôi phục và bảo vệ hệ thống sông, hồ để đảm bảo cảnh quan sinh thái và tạo thành hệ thống kết nối với không gian cây xanh cũng là vấn đề cấp thiết mà Hà Nội cần đặc biệt quan tâm.
“Hà Nội cần phải ưu tiên cho các dự án nghiên cứu, bảo tồn, phát triển cây xanh cho một số khu vực, tuyến điểm và các khu vực quy hoạch mới. Xây dựng các vườn bách thảo phục vụ công tác này. Thủ đô Hà Nội hiện nay chỉ còn một số điểm như Công viên Thống Nhất, Vườn Bách Thảo, Vườn hoa Con Cóc... là còn giữ được nét vốn có của cố đô và cần xem đó là các hình mẫu cho sáng tạo phát triển cây xanh đô thị cho tương lai” - PGS. TS Trần Văn Thụy. |