Đất đai

Emagazine: Để tính ưu việt của chính sách đất đai đến với đồng bào dân tộc

Trường Giang (thực hiện) 05/09/2024 19:12

(TN&MT) - Luật Đất đai 2024 với nhiều nội dung mới đã tạo ra hệ thống pháp luật đất đai đồng bộ, thống nhất, là căn cứ pháp lý đầy đủ, toàn diện để quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, trong đó có quy định về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

cover-.jpg
cover-1.jpg
11.jpg
Ông Bùi Văn Hải -
Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT)

PV: Xin ông cho biết những điểm mới về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số trong Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành?

Ông Bùi Văn Hải: Luật Đất đai 2013 đã quy định về chính sách đất đai đối với người dân tộc thiểu số như: Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên những chính sách này còn mang tính “khẩu hiệu”, không có hướng dẫn quy định cụ thể để thực hiện, do đó dẫn tới việc thi hành còn nhiều hạn chế.

Khắc phục những vấn đề này, Luật Đất đai 2024 đã có một số quy định đổi mới về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc một cách có hệ thống từ xác định đối tượng thiếu đất, tạo quỹ đất, giao đất và một số biện pháp cấm một số quyền mua bán, chuyển nhượng đất của đồng bào dân tộc đã được giao đất… Cụ thể, Luật Đất đai 2024 tiếp tục quy định trách nhiệm của Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Luật Đất đai 2024 cũng quy định có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống như: giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất. Cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất...

Đặc biệt, Luật cũng quy định cụ thể từng trường hợp được hỗ trợ về đất ở, sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, không có đất như: có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, Luật quy định 3 chính sách để thực hiện gồm: tạo quỹ đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở được thu hồi đất theo Điều 79, Luật Đất đai 2024; Kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước; quy định hạn chế việc mua bán, chuyển nhượng tự do đối với đất Nhà nước giao cho đồng bào dân tộc thiểu số.

box-1.jpg

PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số được giao đất lần 2?

Ông Bùi Văn Hải: Về trường hợp này, tại Khoản 3, Điều 16, Luật Đất đai 2024 quy định: Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sau đó không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, trường hợp không còn đất ở thì được giao tiếp đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất.

Trường hợp thiếu đất ở thì cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất;

Trường hợp không còn hoặc thiếu đất nông nghiệp thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền hoặc cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất.

Để cụ thể nội dung này, Nghị định 102/2024/NĐ-CP đã hướng dẫn về điều kiện để được giao đất lần 2.

Cụ thể, đối với trường hợp không còn đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở; người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở;

Đối với trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp của địa phương thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức.

Bên cạnh đó, Nghị định 102 còn quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số. Đồng thời kinh phí được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trường hợp địa phương không tự cân đối được ngân sách thì UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

1-1-.jpg
Nhà nước tạo quỹ đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở được thu hồi đất theo Điều 79, Luật Đất đai 2024

PV: Hiện, để triển khai thi hành pháp luật đất đai năm 2024, nhiều địa phương đã ban hành Nghị quyết của hội đồng nhân dân về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, ông có kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả việc triển khai hiệu quả chính sách này ở các địa phương?

Ông Bùi Văn Hải: Như tôi đã nói ở trên, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định, hướng dẫn rất cụ thể để thực hiện chính sách. Do đó, các địa phương phải chủ động rà soát đối tượng xem hộ đồng bào dân tộc thiểu số nào thiếu đất, sau đó nếu hết quỹ đất thì phải tạo quỹ đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn tạo quỹ đất phải lập dự án theo Điều 79, chuẩn bị kinh phí từ ngân sách… thì mới thực hiện được việc này.

Đồng thời, phải quản lý chặt việc mua bán, chuyển nhượng tự do đối với đất Nhà nước giao cho đồng bào dân tộc thiểu số thì mới đảm bảo chính sách được thực hiện hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

bai-2.jpg

Điểm nổi bật nhất trong dự thảo là việc giao đất sinh hoạt cộng đồng đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Đất đai. Theo đó, dự thảo quy định, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được giao đất sinh hoạt cộng đồng phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế tại khu vực và không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Luật, Cụ thể, đối với những khu vực đã có quy hoạch xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, diện tích giao đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với những khu vực chưa có quy hoạch xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, diện tích giao đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số được quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 01/2017 ngày 09/02/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thông tư mới theo Luật Đất đai 2024 thay thế Thông tư này thì cập nhật theo thông tư mới.

Về giao đất ở trong hạn mức lần đầu đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số, Dự thảo nêu rõ: Đối với những khu vực đã có quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì diện tích đất ở để giao đất cho mỗi cá nhân là người dân tộc thiểu số theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với những khu vực chưa có quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì diện tích giao đất ở theo hạn mức quy định của UBND tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 195 Luật Đất đai, trong đó, xác định cụ thể hạn mức tối đa, tối thiểu.

dongruong(1).jpg
box-2.jpg

Về hỗ trợ đất đai cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại Nghị quyết nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo các trường hợp cụ thể. Đối với trường hợp không còn đất ở thì được giao tiếp đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở; người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ.

Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở (sao cho tổng diện tích đất ở sau khi chuyển mục đích không vượt quá hạn mức giao đất ở do UBND tỉnh quy định) và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 103.

Trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức (hạn mức được xét cho tổng diện tích đang sử dụng và diện tích được giao thêm) và không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 7 Điều 118 Luật Đất đai 2024…

bai-3.jpg

Được biết, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có gần 11.000 người dân tộc thiểu số của 53 dân tộc, sinh sống rải rác ở cả 12 huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Hải Dương hiện chỉ có 2 xã thuộc thành phố Chí Linh là Bắc An và Hoàng Hoa Thám là xã khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số 3.419 người dân tộc thiểu số, 191 hộ gia đình (gồm người Sán Dìu, người Hoa và người Tày).

Do đó việc quan tâm, thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tỉnh Hải Dương xác định, đối tượng áp dụng của Nghị quyết gồm đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có đất sinh hoạt cộng đồng; Cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc một trong các trường hợp sau: chưa có đất ở, không còn hoặc thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở theo quy định; chưa có đất nông nghiệp, không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất nông nghiệp; có nhu cầu thuê đất phi nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh…

Đặc biệt, tỉnh xác định cụ thể 3 nguyên tắc thực hiện gồm: hỗ trợ một lần, trực tiếp đến cộng đồng và cá nhân là người dân tộc thiểu số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; các cá nhân được hỗ trợ phải sử dụng đúng mục đích. Giao quyền chủ động cho các địa phương, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách.

Cụ thể, về hỗ trợ đất ở, đối với trường hợp không có đất ở, không còn đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác đang sử dụng hợp pháp sang đất ở trong hạn mức giao đất ở theo quy định và được miễn tiền sử dụng đất; Trường hợp thiếu đất ở so với mức tối thiểu hạn mức giao đất ở theo quy định thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác đang sử dụng hợp pháp trong cùng thửa đất hoặc thửa đất liền kề sang đất ở trong hạn mức giao đất ở theo quy định và được miễn tiền sử dụng đất.

haiduong.jpg

Về hỗ trợ đất nông nghiệp, trường hợp không có đất nông nghiệp, không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất nông nghiệp thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức và không thu tiền sử dụng đất; Trường hợp địa phương không còn quỹ đất nông nghiệp để thực hiện giao đất, thì ưu tiên giao khoán các diện tích đất địa phương đang quản lý có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Việc bố trí đất sản xuất phải đảm bảo đất không bị tranh chấp, phải liền vùng, liền khoảnh, có khả năng canh tác và gần dân cư, thuận lợi cho sản xuất.

Về hỗ trợ thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở để sản xuất, kinh doanh: Trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất nông nghiệp mà không bố trí được quỹ đất, nếu có nhu cầu thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở để sản xuất, kinh doanh thì được cho thuê đất và được miễn tiền thuê đất theo quy định.

Trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất nông nghiệp mà bố trí được quỹ đất để giao tiếp nhưng không có nhu cầu được giao tiếp đất nông nghiệp mà có nhu cầu thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở để sản xuất, kinh doanh thì được cho thuê đất và được giảm tiền thuê đất theo quy định.

Trường hợp đang sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đủ diện tích theo hạn mức mà có nhu cầu thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở để sản xuất, kinh doanh thì được giới thiệu địa điểm thực hiện dự án, cho thuê đất và phải nộp tiền thuê đất theo quy định.

Nguồn, quỹ đất để thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Đất đai.

Nội dung: Trường Giang - Trình bày: Xuân Hà

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Emagazine: Để tính ưu việt của chính sách đất đai đến với đồng bào dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO