Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định |
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, hoạt động KH&CN trong các ngành, lĩnh vực đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu để cung cấp luận cứ khoa học cho Tổ văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 -2025; phục vụ chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Các kết quả đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu đã cung cấp cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả theo dõi thi hành pháp luật; phục vụ đề xuất các chính sách, giải pháp về quản lý nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, lĩnh vực khoa học tự nhiên tiếp tục đóng góp thiết thực cho việc tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo, phòng tránh thiên tai, đảm bảo cảnh báo sớm và đủ độ chi tiết đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan; cung cấp các luận cứ khoa học trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hơn nữa, các kết quả nghiên cứu cơ bản đã góp phần tăng cường tiềm lực nghiên cứu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; phát triển một số hướng ứng dụng mang tính liên ngành, đa ngành giúp tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và đời sống. Năm 2020, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng gấp 1,4 lần so với năm 2019.
Đưa KH&CN phục vụ phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Ảnh minh họa |
Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, trong nông nghiệp, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen,... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, trong chăn nuôi, đã tạo được phôi nang lợn Ỉ nhân bản bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma với tỷ lệ phôi nang dao động từ 20 - 25%; đã giải trình tự và phân tích trình tự gen Hsp 70, xác định được kiểu gen liên quan đến khả năng chịu stress nhiệt; chế tạo được protein tái tổ hợp E2 của virus dịch tả lợn trên tế bào côn trùng mang đầy đủ các đặc tính sinh học tự nhiên.
Liên quan đến công nghiệp, công thương, nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới phục vụ phát triển các ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp được chế tạo thành công, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chủ động nguồn cung trong nước.
Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, đã chuyển đổi mô hình hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) thành 1 trung tâm xử lý quốc gia duy nhất; áp dụng chuẩn tin điện IBPS phiên bản 2.5 hỗ trợ việc gửi kèm thông tin thu ngân sách nhà nước trên hệ thống. Hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong lĩnh vực quốc phòng, các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự đã góp phần quan trọng trong việc khai thác làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật của các lực lượng quân đội. Trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, đã chế tạo thành công một số phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác chiến đấu của lực lượng công an nhân dân, phục vụ công tác phòng chống khủng bố, bạo loạn…
“Đáng chú ý, trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu chế tạo thành công chip vi lỏng phát hiện tế bào ung thư phổi trong 30 phút; kỹ thuật sử dụng laser quang đông trong can thiệp trước sinh lần đầu tiên được ứng dụng thành công ở Việt Nam, giúp cứu sống hàng chục trẻ sơ sinh mang dị tật bẩm sinh; chinh phục thành công kỹ thuật ghép ruột – một trong những tạng ghép khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng; phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền vùng chậu cực kỳ hiếm gặp trên thế giới, thể hiện trình độ chuyên môn cao của các bác sỹ và sự tiến bộ vượt bậc của nền y học Việt Nam” , Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết.