Du lịch

Nghệ An - Hà Tĩnh: Nhộn nhịp các điểm du lịch tâm linh dịp đầu năm

Đình Tiệp - Thành Vinh 04/02/2025 - 13:58

Những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, không khí lễ hội tràn ngập các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Nghệ An và Hà Tĩnh như Đền Cờn, Đền Ông Hoàng Mười, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, chùa Đại Tuệ, chùa Hương Tích... Hàng vạn du khách từ khắp nơi nườm nượp đổ về để tham quan, lễ hương, cầu mong một năm mới sức khỏe, bình an, may mắn.

Tại Đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), không khí đầu năm rất rộn ràng. Những đoàn khách từ khắp các tỉnh, thành, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, nườm nượp đổ về dâng hương, chiêm bái.

Anh Vũ Văn Trường, du khách đến từ tỉnh Ninh Bình, chia sẻ: "Đền Ông Hoàng Mười rất linh thiêng. Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, cả gia đình tôi cũng vào đây để thắp hương cầu mong một năm mới luôn bình an, may mắn và hạnh phúc".

z6278640739098_dd2b7acc53f010de3eb978ec357f7789.jpg
Đền Ông Hoàng Mười.

Dịp Tết này, khuôn viên đền được trang hoàng lộng lẫy, những tiểu cảnh mô phỏng không gian Tết cổ truyền thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh. Những hoạt động như gieo quẻ đầu năm, viết sớ cầu may cũng được nhiều người tham gia với mong muốn có một năm bình an, thuận buồm xuôi gió.

Theo UBND xã Hưng Thịnh, tính từ ngày 01 đến 04 Tết Ất Tỵ thì mỗi ngày có đến hàng vạn người dân và du khách thập phương từ khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam đến thắp hương cúng lễ. Chính quyền địa phương và Ban quản lý đền đã nỗ lực phân luồng về giao thông, chỗ gửi xe, bán hàng cũng như giữ an ninh trật tự đảm bảo cho du khách và người dân đi lễ được an toàn, uy nghiêm trước chốn linh thiêng.

Còn tại Đền Cờn ở phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), những ngày đầu năm mới, dòng người đổ về viếng đền mỗi lúc một đông. Nhiều gia đình đi theo đoàn lớn, mang theo lễ vật trang trọng dâng lên các bậc thánh thần, mong cầu một năm mới bình an và phát đạt.

den-con.jpg
Hàng vạn du khách tại đền Cờn.

Chi Nguyễn Thị Thủy, ở TP Nam Định, chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm mới là cả gia đình tôi lại đi lễ Đền Cờn. Đây không chỉ là một phong tục truyền thống mà còn là cách để chúng tôi bày tỏ lòng thành kính và cầu mong sức khỏe, bình an, tài lộc, may mắn cho cả năm".

Được xây dựng từ thời Trần, mở rộng vào thời Lê và trải qua nhiều lần trùng tu dưới triều Nguyễn, Đền Cờn không chỉ nổi tiếng bởi sự linh thiêng mà còn bởi kiến trúc đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa phong cách nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn. Quần thể di tích gồm Đền Cờn Trong và Đền Cờn Ngoài, mỗi nơi mang một vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm. Năm 1993, Đền Cờn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia; năm 2016, Lễ hội Đền Cờn được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để đảm bảo an ninh trật tự, ban quản lý Đền Cờn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, bố trí lực lượng hướng dẫn du khách, lắp đặt camera an ninh, sắp xếp bãi đỗ xe hợp lý nhằm tránh tình trạng ùn tắc. Đặc biệt, Công an thị xã Hoàng Mai đã lên kế hoạch phân luồng giao thông, phòng chống cháy nổ, giúp người dân yên tâm du Xuân và chuẩn bị cho lễ hội Đền Cờn diễn ra từ ngày 19 - 21 tháng Giêng âm lịch.

den-quang-trung.jpg
Du khách thắp hương tại Đền thờ Hoàng Đế Quang Trung.

Tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết (phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), trong ngày mùng 3 Tết, dòng người nối dài lên đền, vừa vãn cảnh, vừa thắp hương tưởng nhớ vị anh hùng áo vải.

Theo Ban quản lý Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, Ban đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đón du khách ngay từ ngày 29 Tết. Đặc biệt, vào mùng 5 Tết hàng năm diễn ra lễ Kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, một trong những sự kiện trọng đại nhất tại đền, thu hút hàng nghìn người đến tham dự nên công tác chuẩn bị luôn được thực hiện một cách khoa học và chu đáo.

Tại chùa Đại Tuệ (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cũng thu hút hàng vạn người lên chùa thắp hương. Nhất là ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm diễn ra lễ khai bút, khai xuân và cầu quốc thái dân an càng thu hút đông đảo du khách, người dân lên với ngôi chùa này.

chua-dai-tue.jpg
Đông đảo người dân, du khách tại chùa Đại Tuệ tại Lễ khai bút, khai xuân.

Được biết, lễ khai bút, khai xuân tại chùa Đại Tuệ được tổ chức thường niên từ năm 2012, trở thành sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng tại Nghệ An mỗi dịp đầu xuân. Chùa Đại Tuệ, nơi diễn ra buổi lễ, có lịch sử từ thế kỷ XIV, tọa lạc trên núi Đại Huệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Đây là quần thể kiến trúc gồm 20 hạng mục công trình, nổi bật với bảo tháp Đại Tuệ 9 tầng cao 32m thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Mẫu Đại Tuệ và Phật Di Lặc.

Chùa còn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và năm vị vua lịch sử: Vua Hùng, Mai Hắc Đế, Hồ Quý Ly, Quang Trung và Cảnh Thịnh. Ngoài giá trị lịch sử, chùa Đại Tuệ còn sở hữu hệ thống tượng Phật quý hiếm, gồm 32 pho tượng gỗ dâu nguyên khối.

Chùa đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận với bốn kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất, chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất, hệ thống tượng gỗ dâu nguyên khối lớn nhất và hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất…là điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với người dân đại phương và du khách thập phương.

chua-ht.jpg
Chùa Hương Tích cũng thu hút rất đông đảo khách dịp đầu năm mới 2025.

Còn tại Hà Tĩnh, sáng 3/2 (mùng 6 tháng Giêng), Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh phối hợp với huyện Can Lộc tổ chức khai hội chùa Hương Tích - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2025.

Chùa Hương Tích nằm trên núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), tương truyền được xây dựng vào đời Nhà Trần ở thế kỷ XIII. Chùa Hương Tích gắn với câu chuyện truyền thuyết về công chúa Diệu Thiện, con gái vua Sở Trang Vương đã đến đây tu hành đắc đạo và hóa thành Phật bà trăm tay nghìn mắt, phổ độ chúng sinh.

Chùa Hương Tích có cảnh sắc non nước hữu tình, từng được mệnh danh là Hoan Châu đệ nhất danh lam - cảnh đẹp bậc nhất xứ Nghệ. Gắn với ngôi chùa cổ là lễ hội chùa Hương Tích có tuổi đời hàng trăm năm và văn hóa tín ngưỡng thờ Phật của người dân địa phương. Từ lâu, vào mỗi dịp đầu xuân, người dân Hà Tĩnh và mọi miền lại nô nức trẩy hội chùa Hương Tích để dâng hương, ngắm cảnh, học tập tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật pháp.

z6278640739317_b23cd317d93ea6b5bed90de0d1165fdd.jpg
Người dân thắp hương cầu bình an, sức khỏe, tài lộc...

Với sự linh thiêng, vẻ đẹp quyến rũ của núi rừng thiên nhiên, nhiều năm nay, lượng du khách và đạo hữu đến với Hương Tích ngày càng tăng: năm 2022 đạt hơn 80.000 lượt khách, 2023 đạt hơn 123.000 lượt, 2024 đạt hơn 130.000 lượt.

Theo Ban quản lý KDL chùa Hương Tích, tính từ ngày mồng 1 Tết Nguyên đán đến ngày mồng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025, chùa Hương Tích đã đón gần 2,5 vạn khách tham quan. Riêng ngày khai hội, chùa Hương Tích đã thu hút khoảng 8.000 lượt khách về tham gia, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian... và dâng hương, tham quan, vãn cảnh chùa. Công tác đón tiếp du khách được chuẩn bị chu đáo, an ninh trật tự, an toàn cho du khách được đảm bảo.

z6278640733567_7dca54292f681739f2a441cd3a0b20db.jpg
Người dân và du khách viết sớ đầu năm.

Việc du Xuân đầu năm đến các địa chỉ tâm linh để cầu mong sức khỏe, bình an và hạnh phúc cho gia đình, cộng đồng không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời mà còn là dịp để mỗi người hướng về những giá trị tinh thần cao đẹp, hướng thiện, tạo sự lạc quan, phấn chấn từ ngày đầu năm mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An - Hà Tĩnh: Nhộn nhịp các điểm du lịch tâm linh dịp đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO