Như vậy, nếu dự thảo được chính thức thông qua, thành phần Ban quản trị sẽ bao gồm: Cư dân, chủ đầu tư, đại diện UBND phường. Việc xuất hiện đại diện chính quyền trong Ban quản trị đang được kỳ vọng sẽ làm giảm mâu thuẫn giữa cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện có hơn 400 tòa chung cư đang xảy ra tranh chấp trên toàn quốc. Vì vậy, việc ban hành thông tư mới, với các quy định sát thực tế hơn đang rất cần thiết vào thời điểm này.
Các Ban Quản trị chung cư dự kiến sẽ có thêm thành viên Ban Quản trị |
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi thông tư 02/2016/TT-BXD. Trong dự thảo này, Bộ tập trung hoàn chỉnh quy chuẩn về quản lý, vận hành nhà chung cư nhất là các vấn đề liên quan đến sở hữu chung riêng, quản lý quỹ bảo trì…
Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền để giải quyết các vướng mắc phát sinh tại các tòa nhà chung cư.
Ngoài ra, điểm mới đáng chú ý nhất là thành viên ban quản trị sẽ bao gồm 3 người. Trong đó, có người đại diện chủ đầu tư, đại diện cư dân bầu ra; đại diện UBND cấp phường nơi có chung cư để tham gia vào ban quản trị để quản lý, kiểm soát vận hành nhà chung cư nhất là việc sử dụng quản lý kinh phí bảo trì 2%.
Theo quy định cũ, thành viên tham gia ban quản trị chỉ bao gồm 2 thành phần là đại diện chủ đầu tư, đại diện cư dân. Trong quá trình vận hành, mô hình này đã phát sinh mâu thuẫn thậm chí nội chiến chung cư liên tiếp xảy ra. Nhiều chung cư đã đề nghị phế truất Ban quản trị do chính mình bầu ra.
Bởi lý do ban quản trị có những động thái đi ngược với quyền lợi của cư dân; ban quản trị không minh bạch thu chi tài chính…
Đơn cử, tại chung cư CT12 Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội), từ khi vào hoạt động đến nay đã có 2 khóa Ban Quản trị được thành lập. Nhưng chung cư thường xuyên xảy ra các cuộc nội chiến, một số cư dân liên tục tố Ban Quản trị thiếu minh bạch tài chính. Kết quả là từ tháng 7 đến nay, các thành viên Ban quản trị đã xin rút lui. Chung cư lâm vào cảnh như "cha chung không ai khóc”.
Còn theo phản ánh của đại diện cư dân chung cư Platium (số 6 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội), nhiều tháng nay, cư dân không chấp nhận thuê đơn vị vận hành do dịch vụ vệ sinh không đảm bảo, đơn vị bảo vệ không chuyên nghiệp. Khoảng 85% số cư dân đã biểu quyết bằng văn bản yêu cầu ban quản trị phải thay đổi đơn vị quản lý. Nhưng ban quản trị không thực hiện khiến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng. Khi ban quản trị và cư người dân không nhất quán được quan điểm xử lý mâu thuẫn, người dân buộc phải có đơn vị trung gian hòa giải đó là cấp phường.
Ông Lê Hồng Tiến - Bí thư đảng ủy UBND Phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội đánh giá, mâu thuẫn trong quá trình vận hành nhà chung cư tại Hà Nội đang có chiều hướng ngày càng phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, vấn đề mấu chốt phải sửa đổi các văn bản Luật hiện hành và đưa ra các chế tài chặt chẽ và đủ mạnh.
Trong dự thảo sửa đổi thông tư 02, việc đưa đại diện UBND phường vào tham gia ban quản trị rất khó khả thi. Thứ nhất, UBND phường là cấp chính quyền không nên tham gia vào Ban quản trị. Thứ hai, do lực lượng cán bộ mỏng, trình độ chuyên môn không đồng đều, nếu có tham gia thì không thể xử lý triệt để được mâu thuẫn. Các công việc phát sinh vẫn phải báo cáo Lãnh đạo phường để giải quyết.