Dự án phát điện sử dụng năng lượng sinh khối: Hưởng nhiều ưu đãi

08/06/2016 00:00

(TN&MT) - Phát triển các dự án phát điện sử dụng năng lượng sinh khối là một trong các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên hóa thạch trong sản xuất điện năng. Chính vì vậy, Việt Nam đang áp dụng nhiều cơ chế hỗ trợ các dự án này như: Ưu đãi về vốn; về đất; về cơ chế tiêu thụ…

Hiện nay, năng lượng sinh khối sử dụng để sản xuất điện bao gồm: Phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm sản và các loại cây trồng khác có thể sử dụng làm nhiên liệu cho sản xuất điện. Trong khi đó, dự án điện sinh khối nối lưới là dự án nhà máy điện sinh khối được xây dựng đấu nối vào lưới điện quốc gia để cung cấp một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất lên lưới điện quốc gia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, Chính phủ quy định cụ thể về các ưu đãi dành cho các dự án này như:

Thứ nhất, ưu đãi về vốn đầu tư và thuế: Theo đó, nhà đầu tư được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện sinh khối theo quy định của pháp luật hiện hành. Các dự án điện sinh khối được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư theo các quy định pháp luật hiện hành về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Ngoài ra, dự án điện sinh khối được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Và, việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện sinh khối được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.

Thứ hai, ưu đãi về đất đai: Các dự án điện sinh khối và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Căn cứ vào quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án điện sinh khối. Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.

Thứ ba, giá bán điện của các dự án điện sinh khối nối lưới: Đối với các dự án đồng phát nhiệt - điện: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện dư từ các Dự án đồng phát nhiệt - điện sử dụng năng lượng sinh khối với giá điện tại điểm giao nhận là 1.220 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 5,8 UScents/kWh). Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

 Đối với các dự án điện sinh khối khác: Các dự án nguồn điện sử dụng năng lượng sinh khối để phát điện, nhưng không phải là dự án đồng phát nhiệt - điện: Giá bán điện được áp dụng theo biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho các dự án điện sinh khối.

Trong đó, chi phí mua điện từ các dự án điện sinh khối được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào trong phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, Chính phủ còn quy định về trách nhiệm mua điện từ các dự án điện sinh khối nối lưới:  Theo đó, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy phát điện sinh khối nối lưới thuộc địa bàn do mình quản lý.

Việc mua bán điện được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán điện được lập theo Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện sinh khối nối lưới do Bộ Công Thương ban hành. Và trong thời hạn 6 tháng kể từ khi chủ đầu tư dự án điện sinh khối có văn bản đề nghị bán điện, Bên mua điện phải tiến hành ký kết hợp đồng mua bán điện với Bên bán điện theo quy định…

Báo TN&MT

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án phát điện sử dụng năng lượng sinh khối: Hưởng nhiều ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO