Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi): ĐBQH quan tâm đến lực lượng kiểm ngư

27/10/2017 00:00

(TN&MT) - Chiều 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Nhiều ĐBQH quan tâm đến hoạt động của lực lượng kiểm ngư

Mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Theo báo cáo, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ NN&PTNT, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Ngày 14/8/2017, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Sau đó, dự thảo Luật đã được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH. Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn ĐBQH, hội nghị, hội thảo, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

 ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Đoàn tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi thảo luận chiều 27/10. Ảnh: quochoi.vn
ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Đoàn tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi thảo luận chiều 27/10. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) và cho rằng Báo cáo đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Theo ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Đoàn tỉnh Đắk Nông, để mô hình tổ chức của cơ quan kiểm ngư có nên được quy định ngay trong Luật hay không thì cần phải qua thực tiễn tổng kết, qua nghiên cứu báo cáo hoạt động của kiểm ngư trong thời gian vừa qua.

Để giải quyết những tồn tại vướng mắc đó hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.Do đó Luật chỉ nên quy định có lực lượng kiểm ngư, còn hệ thống tổ chức, chế độ chính sách của lực lượng này nên giao cho Chính phủ quy định.

Đồng thời, theo Đại biểu Nguyễn Trường Giang, cần làm rõ những nơi có lực lượng kiểm ngư thì cơ quan quản lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về thủy sản có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật Thanh tra nữa hay không.

Cho ý kiến về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, ĐBQH Triệu Thế Hùng – Đoàn tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Điều 6 dự thảo Luật quy định Chính sách đầu tư của Nhà nước vào 3 lĩnh vực như Khoản 1 là phù hợp, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ tại khoản 2 cơ bản đầy đủ và có tính khả thi cao.

Đặc biệt, việc hỗ trợ mua bảo hiểm cho tàu đánh cá khai thác xa bờ, nuôi trồng thuỷ sản, bảo hiểm cho thuyền viên,.. quy định tại Điểm đ, Khoản 2 có ý nghĩa lớn đối với chiến lược kinh tế, phát triển kinh tế biển kết hợp với quốc phòng, an ninh trên biển đảo.

Ngoài ra, vẫn theo Đại biểu Triệu Thế Hùng, đại biểu đề nghị cần quy định bổ sung thêm chính sách hỗ trợ ngư dân bám biểm dài ngày, kết hợp chặt chẽ với phục vụ quốc phòng, an ninh thuỷ sản xa bờ để tăng cường sự hiện diện dân sự, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cũng như kết hợp chặt chẽ với phục vụ quốc phòng, an ninh. Nội dung này phù hợp Khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật về nguyên tắc hoạt động về thuỷ sản.

Còn ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền Đoàn tỉnh Nghệ An, thực tế cho thấy thời gian qua lực lượng kiểm ngư trên biển còn quá mỏng, lực lượng thanh tra chuyên ngành hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu kinh phí, giới hạn giữa trách nhiệm và quyền hạn phân định không rạch ròi nên chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác vận chuyển nguồn lợi thủy sản.

Do đó, Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền kiến nghị cần có lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và phối hợp với các lực lượng khác để hỗ trợ. Do đó, đại biểu đồng tình với phương án 1, Thành lập Kiểm ngư ở trung ương và ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù …Tuy nhiên, kiểm ngư địa phương nên thành lập trên cơ sở chuyển đổi và cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành ở địa phương, đảm bảo bộ máy không tăng biên chế…

Theo chương trình kỳ họp, ngày mai 28/10, Quốc hội làm việc theo chương trình riêng. Ngày 29/10 (chủ nhật) - Quốc hội nghỉ.

Thứ hai ngày 30/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ liên tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Việt Hùng - Hải Ngọc

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi): ĐBQH quan tâm đến lực lượng kiểm ngư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO