Đông Nam Bộ trước áp lực an ninh nguồn nước: Hành động bảo vệ nguồn “vàng trắng”

TƯỜNG TÚ - LINH NGA -  THANH QUỲNH| 12/11/2019 13:10

(TN&MT) - Các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là nguồn nước mặt nhằm phục vụ hiệu quả đời sống, sản xuất của người dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Hiếu - Giám đốc Sở TN&MT Tây Ninh: Chú trọng tuyên truyền Luật Tài nguyên nước

Bà Nguyễn Thị Hiếu

Sở TN&MT Tây Ninh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quán triệt Luật Tài nguyên nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, nhất là trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; vận động người dân tham gia giám sát, phát hiện các tổ chức, cá nhân xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương và Sở TN&MT thông qua các số điện thoại đường dây nóng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý các vi phạm.

Cùng với đó, Sở sẽ xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của các đô thị xả nước thải ra lưu vực sông. Đồng thời, phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và các cơ quan chức năng của Trung ương trong việc kiểm tra, giám sát các nguồn xả thải vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai; kiểm soát sự lan truyền ô nhiễm xuyên địa bàn; kiểm soát lũ và xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông; phòng ngừa và ứng cứu sự cố tràn dầu; chia sẻ thông tin môi trường lưu vực hệ thống sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.

Ông Lê Ngọc Linh - Giám đốc Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu: Siết chặt thanh kiểm tra xử phạt vi phạm

Ông Lê Ngọc Linh

Để bảo đảm an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường; Sở TN&MT sẽ phối hợp với các ngành, các cấp từ khi cấp phép đầu tư xây dựng đến khi đi vào hoạt động nhằm hạn chế phát sinh các cơ sở hoạt động trái phép, nằm ngoài quy hoạch gây khó khăn cho công tác kiểm soát các nguồn thải; thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, kiểm kê tài nguyên nước. Đây là cơ sở cho việc định hướng khai thác, quản lý sử dụng bền vững tài nguyên nước.

Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thực hiện lập, cắm mốc và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; thường xuyên vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước để theo dõi, giám sát nguồn tài nguyên nước. Trong đó, ưu tiên đầu tư quan trắc môi trường tự động kịp thời theo dõi và đưa ra các cảnh báo để ứng phó, khắc phục việc ô nhiễm nguồn nước; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM: Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát tự động và trực tuyến

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ

Để đảm bảo an ninh nguồn nước, TP.HCM cần phải có một quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, kế hoạch quản lý tài nguyên nước dài hạn và ngắn hạn phục vụ công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bằng công nghệ tự động, trực tuyến

Cùng với đó, TP.HCM cần xây dựng quy chế phối hợp tổng thể giữa các Sở, ban, ngành có liên quan đến quản lý tài nguyên nước theo định hướng thống nhất quản lý và cần có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM. Ngoài ra, TP.HCM cần xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, phản biện từ cộng đồng, công khai, minh bạch các số liệu quản lý tài nguyên nước, các quy hoạch, kế hoạch quản lý tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai: Kiểm soát nguồn thải vào các lưu vực sông

Ông Nguyễn Ngọc Hưng

Sở TN&MT Đồng Nai tăng cường kiểm soát các nguồn thải có hoạt động xả thải vào các lưu vực sông được sử dụng làm nguồn nước cấp. Đồng thời, tổ chức đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ. Trong đó, căn cứ theo đặc điểm mục đích sử dụng, khả năng tự làm sạch của nguồn nước, quy mô và tính chất của các nguồn nước thải hiện tại và theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường lưu vực sông, hạn chế tối đa việc xả thải chất thải sinh hoạt xuống các sông, kênh rạch gây cản trở dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước mặt. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị; tham mưu quy hoạch, công bố và quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, cần có sự tham gia của các đơn vị thuộc ngành Công an sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa các hành vi xâm phạm an ninh nguồn nước.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Bộ trước áp lực an ninh nguồn nước: Hành động bảo vệ nguồn “vàng trắng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO