Quản lý tài nguyên nước: Những hạt giống “nảy mầm” từ quyết sách
(TN&MT) - Tài nguyên nước là nền tảng của sự sống, là động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nghịch lý về tài nguyên nước: “Quá thừa, quá thiếu, quá bẩn”. Hiện tượng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của quốc gia. Trước bối cảnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện các Quy hoạch tài nguyên nước trên lưu vực sông là bước đi mang tính chiến lược, đặt nền tảng pháp lý quan trọng, là gốc rễ cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Quy hoạch tài nguyên nước - Hành lang pháp lý quan trọng
Kể từ khi Luật Tài nguyên nước 1998 được ban hành, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Đây là dấu mốc nền tảng, đặt nền móng pháp lý cho việc bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững. Luật Tài nguyên nước 1998 không chỉ thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng mà còn phản ánh chiến lược phát triển đất nước có liên quan đến tài nguyên nước. Lần đầu tiên, các nguyên tắc hiện đại về quản lý tổng hợp tài nguyên nước được đưa vào hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao và tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng phức tạp, Luật Tài nguyên nước 2012 ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trong quản lý tài nguyên nước.
Đặc biệt, để bảo đảm tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong tình hình mới, ngày 27/11/2023, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ về tư duy, cách tiếp cận và phương thức quản trị tài nguyên nước tại Việt Nam.
Qua hơn 25 năm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, từ Luật Tài nguyên nước 1998, Luật Tài nguyên nước 2012, đến Luật Tài nguyên nước 2023, Việt Nam đã không ngừng cải tiến phương thức quản trị tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước 2023 không chỉ phản ánh sự tiến bộ về mặt pháp lý mà còn là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ và khai thác tài nguyên nước một cách bền vững, đảm bảo nguồn nước luôn được quản lý minh bạch, hiệu quả và công bằng.
Cam kết đó được thể hiện rất rõ nguyên tắc quan trọng nhất đó là: “Quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa giới hành chính; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn”. Trong đó, điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những công cụ cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn nước và điều hòa, phân phối cho các mục đích khai thác, sử dụng phải căn cứ vào quy hoạch về tài nguyên nước, khả năng của nguồn nước. Như vậy, có thể thấy tầm quan trọng của việc xây dựng và triển khai các quy hoạch tài nguyên nước.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của quy hoạch tài nguyên nước, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng và hoàn thiện trình Chính phủ ban hành 10/15 Quy hoạch gồm: 1 Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; 8 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh và 1 Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Dự kiến năm 2025, 5 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh còn lại sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ngay sau khi các Quy hoạch được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương tổ chức triển khai kế hoạch hành động. Công tác này không chỉ dừng lại ở cấp Trung ương mà còn được triển khai sâu rộng tới các địa phương. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động lập kế hoạch, triển khai giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế.
Đến nay, sau 2 năm tổ chức triển khai thực hiện, các quy hoạch tài nguyên nước đã mang lại những kết quả tích cực. Nổi bật là các chính sách về khai thác, sử dụng, tái sử dụng tài nguyên nước đã được hoàn thiện; cơ chế thu hút, huy động các nguồn lực tài chính trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đã được sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, chúng ta đã triển khai xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số, bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định để đánh giá nguồn nước trên lưu vực trong điều kiện bình thường, thiếu nước nhằm hỗ trợ điều hòa, phân bổ nguồn nước trên lưu vực sông; 100% hồ chứa thủy điện lớn trên cả nước đã được kết nối và giám sát dữ liệu hàng ngày; Quy trình vận hành liên hồ chứa được rà soát và điều chỉnh để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nước;…
Nổi bật hơn nữa là trên cơ sở các quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản nguồn nước trên 2 lưu vực sông lớn, quan trọng là sông Hồng - Thái Bình và sông Cửu Long. Các kịch bản được công bố sẽ phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân. Đồng thời, làm căn cứ để các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước. Dự kiến tháng 1/2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố 6 lưu vực sông còn lại đã có Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.
Chuyển đổi số - Chìa khóa cho quản lý tài nguyên nước bền vững
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, quản lý tài nguyên nước bền vững không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp bách. Đặc biệt, việc triển khai quy hoạch lưu vực sông đang đặt ra những đòi hỏi mới về công cụ quản lý, phương pháp tiếp cận và nguồn lực thực hiện. Sự kết hợp giữa chính sách đúng đắn, công nghệ hiện đại và sự đồng thuận của cộng đồng sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam bảo vệ và khai thác tài nguyên nước hiệu quả, bền vững, vì một tương lai thịnh vượng và an toàn.
Để giải quyết bài toán này, chuyển đổi số được xem là chìa khóa quan trọng. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ quản lý hiệu quả mà còn là nền tảng cho việc ra quyết định nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm chi phí nhân lực.
Chia sẻ về lộ trình triển khai thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý tài nguyên nước, ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Cục Quản lý tài nguyên nước đang nghiên cứu thí điểm việc quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số thông qua việc thí điểm xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và Hệ thống hỗ trợ ra quyết định trên các lưu vực sông để cơ quan quản lý nhà nước sử dụng, thuê dịch vụ nhằm điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông và giảm thiểu chi phí, nhân lực của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực bảo đảm an toàn công trình hạ du, tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả nguồn nước cho các mục đích sử dụng.
Quản lý tài nguyên nước bền vững theo quy hoạch lưu vực sông không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn là chiến lược dài hạn, đảm bảo an ninh nước quốc gia, bảo vệ hệ sinh thái và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với sự quyết tâm từ Chính phủ, sự đồng lòng của người dân và ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ, trong tương lai, tài nguyên nước Việt Nam chắc chắn sẽ được quản lý một cách hiệu quả và bền vững.
Hạt giống từ những quyết sách đúng đắn từ đây đã bắt đầu nảy mầm, mang đến niềm hy vọng về một tương lai xanh, nơi mọi người dân đều được tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn và bền vững.