Đồng Nai: Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ khoáng sản

03/03/2018 16:39

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đồng Nai đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ khoáng sản, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài…

Khoang san DN 1
Đồng Nai đảm bảo nguồn tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tổng kiểm tra, rà soát toàn diện

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2017 Sở TN&MT đã tổ chức 02 đợt khảo sát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở khai thác đá xây dựng. Sở TN&MT cũng đã tham UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Văn bản số 6149/UBND-CNN ngày 27/6/2017 về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở khai thác mỏ đá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Qua kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở mỏ đá đang hoạt động cho thấy, 100% cơ sở tại Cụm khai thác mỏ đá xã Thạnh Phú, xã Thiện Tân thuộc tuyến đường vận chuyển chung 768 và đường Tân Hiền đã hoàn thành thực hiện xây dựng đường bê tông kết nối với tuyến đường chung, hệ thống phun xịt tự động vệ sinh vận tiện vận chuyển và hố thu nước để lắng lọc.

Bên cạnh đó, 100% cơ sở tại Cụm khai thác mỏ đá xã Quang Trung, huyện Thống Nhất thuộc tuyến đường vận chuyển chung 762 đã hoàn thành thực hiện xây dựng đường bê tông kết nối với tuyến đường chung, tuy nhiên chưa xây dựng hệ thống phun xịt tự động vệ sinh vận tiện vận chuyển và hố thu nước để lắng lọc mà chỉ xây dựng máng nước để rửa xe…

Đối với giải pháp thí điểm lập Ban tự quản môi trường, tại cụm khai thác đá xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu; UBND huyện Vĩnh Cửu đã họp thống nhất với các cơ sở khai thác đá và chủ cơ sở các bến thủy thực hiện xây dựng tuyến thoát nước 02 bên đường Tân Hiền và HTX Bình Thạnh đã chủ động thực hiện phun xịt rửa bùn đất cho một đoạn của tuyến đường Tân Hiền.

Đối với giải pháp lắp đặt hệ thống giám sát bằng camera để kiểm soát nguồn phát thải bụi, Sở TN&MT  Đồng Nai đã có Văn bản thông báo đến các cơ sở lập kế hoạch thực hiện lắp đặt hệ thống giám sát bằng camera tại khu vực chế biến đá, tuyến đường vận chuyển nội mỏ kết nối với tuyến đường chung của khu vực,… và kết nối truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN&MT để giám sát.

Đến nay, Sở TN&MT Đồng Nai ghi nhận, 100% cơ sở khai thác đá đã thực hiện lắp đặt hệ thống giám sát bằng camera trong khu vực khai thác mỏ đá và đang phối hợp với Sở TN&MT để thực hiện kết nối truyền dẫn dữ liệu. Ngoài ra, hiện hầu hết các cơ sở khai thác đá đang hoạt động đã thực hiện trồng bổ sung thêm cây xanh để cải thiện môi trường, tạo cảnh quan đẹp tại khu vực khai thác mỏ đá.

Thanh - kiểm tra, xử phạt nghiêm

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Qua tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật trong năm 2017 cơ bản đã được hạn chế nhiều vi phạm tác động xấu đến đời sống xã hội, như: hoạt động khai thác cát trái phép dưới lòng sông đã được xử lý tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, các mỏ hoạt động khoáng sản đều tuân thủ quy định pháp luật về khoáng sản, như: khai thác đúng với quy mô công suất được cấp phép, thực hiện việc đóng thuế tài nguyên, đóng tiền thuê đất, đóng tiền cấp quyền khai thác đầy đủ,…  Tuy nhiên qua thanh tra, kiểm tra vẫn còn phát hiện một số vi phạm và đã chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời.

Trong đó, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản khai thác vượt quá độ sâu, dốc bờ moong (Ta-luy) cho phép, không có giấy chứng nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường khi dự án mỏ đi vào hoạt động, cắm mốc khai thác chưa đúng, chưa đầy đủ, thiếu cảnh báo an toàn khu vực đang khai thác,…

Mặt khác, một số địa phương còn buông lỏng quản lý dẫn đến phát sinh nhiều thư tố cáo phản ánh khai thác khoáng sản trái phép vượt cấp. Nhiều khu vực hoạt động khoáng sản, đặc biệt là hoạt động lấy đất trái phép làm dùng để san lấp mặt bằng tại các vùng nông thôn miền núi đã trở thành điểm nóng được dư luận xã hội quan tâm.

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai nhận định: Qua 01 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 20/12/2016 của Tỉnh ủy Đồng Nai về tăng cường quản lý khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với tinh thần chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Tỉnh ủy Đồng Nai và UBND tỉnh Đồng Nai, các cơ quan quản lý chuyên ngành của tỉnh Đồng Nai.

Và các địa phương đã thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất để kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp, đa phần là khai thác đất và cát không phép; đã phát hiện và xử lý 428 trường hợp vi phạm, số tang vật tạm giữ, gồm: 90 ghe bơm hút cát và 19 máy bơm, 07 xe cuốc và  ô tô tải; với số tiền xử phạt năm 2017 là 4,96 tỷ đồng, tăng 116% so với năm 2016 là 2,3 tỷ đồng.

KS DN 2
Đồng Nai cũng tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ khoáng sản trong thời gian tới, các Sở ngành và địa phương sẽ thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; Chỉ thị 14-CT/TU của Tỉnh ủy Đồng Nai về tăng cường công tác quản lý khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh…

Cùng với đó, thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể tại các Kế hoạch và Văn bản tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai tại Văn bản số 1729/UBND-CNN ngày 01/3/2017. Trong đó, Sở TN&MT Đồng Nai sẽ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện các nhiệm vụ, như sau:

Thực hiện nghiêm Quyết định số 4615/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; rà soát, công bố công khai các khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã được phê duyệt theo quy định; nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Phối hợp với tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 481/QCPH-ĐN-LĐ ngày 23/01/2017 về việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.

Song song đó, phối hợp với Sở TN&MT Lâm Đồng hoàn thành việc đánh giá lại thực trạng, hiện trạng trữ lượng còn lại của các mỏ cát giáp ranh của 02 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, đề xuất điều chỉnh hoặc thu hồi giấy phép khai thác một số mỏ đã cấp có biểu hiện vi phạm.

Phối hợp các tỉnh, thành giáp ranh triển khai thực hiện các nội dung Quy chế phối hợp số 37 về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa các tỉnh, thành: Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham mưu, đề xuất không cấp mới, không gia hạn khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường, đất làm vật liệu san lấp ở chân sườn đồi, núi dọc theo các tuyến đường quốc lộ, các khu quy hoạch trồng rừng, du lịch sinh thái để bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, ban hành Quy định về thủ tục cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác đối với các mỏ đất làm vật liệu san lấp theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính phù hợp với điều kiện thực tế.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm trong hoạt động khoáng sản, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân khai thác gây mất an toàn lao động, gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, di tích lịch sử văn hóa, di sản địa chất.

Tiếp tục kiểm tra giám sát, đánh giá công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở khai thác mỏ đá trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai tại Văn bản số 6149/UBND-CNN ngày 27/6/2017 về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở khai thác mỏ đá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…

Đảm bảo nhu cầu của các công trình trọng điểm

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho hay: Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có các công các công trình trọng điểm quốc gia như: đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, Dầu Giây - Phan Thiết, đường cao tốc Long Thành - Bến Lức, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường 319 và các công trình xây dựng nông thôn mới, dự kiến nhu cầu đất làm vật liệu san lấp đến năm 2020 là khoảng 3,5 - 04 triệu m3.

Để đảm bảo cho nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp các công trình trọng điểm quốc gia và các công trình của tỉnh, trước đó, ngày 18/7/2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Văn bản số 6943/UBND-CNN về việc chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về hoạt động cải tạo đất nông, lâm nghiệp có thu hồi đất làm vật liệu san lấp, bùn trấp, đá bazan bọt dạng tảng lăn làm vật liệu xây dựng.

Theo đó, từ ngày 01/9/2017 trở đi, không giải quyết việc cải tạo đất nông, lâm nghiệp làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt trên địa bàn huyện có nhu cầu thực tế và cần thiết nguồn đất cung cấp vật liệu san lấp phục vụ cho các công trình giao thông nông thôn, xa nguồn cung cấp vật liệu san lấp phí vận chuyển lớn thì sẽ xem xét cụ thể nhưng phải đảm bảo yêu cầu, như sau:

Phải xây dựng phương án cụ thể bảo vệ đất, làm tăng độ màu mỡ, tăng hiệu quả sử dụng đất, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp; không làm ảnh hưởng đến các công trình công cộng, không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực; không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO