Kinh tế

Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh

Phương Hà 18/09/2023 - 15:06

Nhằm tháo gỡ các "rào cản" để phát triển công trình xanh đáp ứng các yêu cầu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, sáng ngày 18/9, Bộ Xây dựng đã tổ chức "Tọa đàm về chính sách và thúc đẩy phát triển công trình xanh".

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2023 do Bộ Xây dựng tổ chức với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các hiệp hội và đơn vị tư vấn trong lĩnh vực liên quan đến công trình xanh và tiết kiệm năng lượng.

363721d4035fd6018f4e.jpg
Toàn cảnh Tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.

Với những lợi ích mang lại từ việc sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc phát sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng.

Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng cũng đã lên kế hoạch triển khai cùng với nhiều giải pháp cụ thể để phát triển theo hướng xanh, phát thải thấp và tiến tới trung hòa các bon như mục tiêu đến 2050 mà Chính phủ đã cam kết.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, để thực hiện được mục tiêu trên còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm và những hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của tất cả các bên liên quan.

001.jpg
Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho hay, các công trình xanh ở Việt Nam đã xuất hiện vào khoảng giai đoạn những năm 2005 - 2010. Qua hơn 15 năm phát triển, hiện có khoảng gần 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của LOTUS (VGBC), EDGE (IFC-WB), LEED (Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2. Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED.

"Số lượng công trình xanh ở nước ta vẫn còn khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Hiện Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0" - Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, trong những năm vừa qua, tốc độ đô thị hóa của TP. Hà Nội khá nhanh và mạnh mẽ, nhu cầu phát triển các công trình cao tầng, nhà ở đã đem tới các mặt trái của đô thị hóa. Các đô thị lớn như Hà Nội cấp thiết phát triển các công trình xanh.

Với TP. Hà Nội, mục tiêu chính của công trình xanh là giữ gìn bảo vệ môi trường, tạo lập môi trường sống hòa mình với tự nhiên. Thủ đô Hà Nội khác với các thành phố trên thế giới do có 70% tổng diện tích đất tự nhiên dành cho hành lang xanh, không gian xanh nhằm giữ cân bằng sinh thái đô thị, điều hóa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, tăng sức tải cho môi trường.

"Mục tiêu quan trọng và lâu dài đối với TP. Hà Nội là giữ gìn “lá phổi xanh” song song với quá trình triển khai các “công trình xanh”. Hà Nội hiện cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt liên quan đến thực hiện quy hoạch, triển khai hiệu quả các văn bản có liên quan để thúc đẩy phát triển các công trình xanh" - ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

002.png
Thúc đẩy phát triển công trình xanh cần sự đồng bộ từ cơ quan quản lý Nhà nước đến các chủ đầu tư công trình, đơn vị tư vấn, đơn vị sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị công trình...

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng; trao đổi kinh nghiệm về các thành tựu đã đạt; đánh giá tiềm năng phát triển; thảo luận về các "rào cản", thách thức và đưa ra các đề xuất tháo gỡ các cản trở, nhằm thúc đẩy đầu tư và phát triển công trình xanh ở Việt Nam.

Các tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế đã có chia sẻ về tiềm năng phát triển và đầu tư vào công trình xanh ở Việt Nam và những dự đoán về xu hướng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai trên thế giới và Việt Nam; thông tin về các dự án, biện pháp hỗ trợ, chính sách ưu đãi cụ thể.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế tham gia trong lĩnh vực này chia sẻ thuận lợi và khó khăn khi triển khai đầu tư và xây dựng công trình xanh ở Việt Nam, đồng thời đưa ra những quan điểm, kiến nghị thiết thực nhằm tháo gỡ các "rào cản" để phát triển công trình xanh.

Trên cơ sở những đề xuất của các doanh nghiệp tại Tọa đàm, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ thông tin về Kế hoạch ban hành cơ chế, chính sách, ưu đãi, nhằm khuyến khích và ưu tiên việc phát triển công trình xanh và công trình tiết kiệm năng lượng, nhất là trong cấp phép xây dựng, quyền sử dụng đất, cung cấp dịch vụ tài chính, đánh giá tác động môi trường cho những dự án, nhà máy và sản phẩm thuộc lĩnh vực này.

Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển công trình xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng: Cơ hội và thách thức” do Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, xây dựng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công trình xanh tổ chức.
Sự kiện bao gồm chuỗi các sự kiện hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khóa đào tạo tăng cường năng lực, cuộc thi kiến trúc xanh sinh viên được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước trong đó các hoạt động cao điểm diễn ra từ 27 - 28/09/2023 tại TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO