Đồng bằng Sông Cửu Long ứng phó BĐKH: Mô hình canh tác cho vùng giồng cát

13/11/2014 00:00

(TN&MT) - Trong khoảng thập niên vừa qua, biến đổi khí hậu bất lợi tạo nên nhiều rủi ro tiềm tàng cho sinh kế và đời sống của người dân đồng bằng Sông Cửu Long.

(TN&MT) - Đồng bằng Sông Cửu Long có khoảng 48.822 ha đất giồng cát ven biển. Trong khoảng thập niên vừa qua, xu thế biến đổi khí hậu bất lợi tạo nên nhiều rủi ro tiềm tàng cho sinh kế và đời sống của người dân. Để tìm những mô hình thích ứng với BĐKH cho người dân vùng đất cát, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Nông lâm TPHCM  đã nghiên cứu và đề xuất các mô hình canh tác nông lâm ngư của các cộng đồng cấp xã ở địa phương, có thể ứng phó hợp lý với các tác động biến đổi khí hậu. Nghiên cứu cũng đề xuất những cải tiến về chính sách tạo nên động lực cho sự phát triển bền vững lâu dài cho khu vực.
   
   
Vùng đất dễ tổn thương
   
  Quá trình kiến tạo qua tương tác sông – biển ở phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tạo nên những vạt trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển, dần dần hình thành giồng cát ven biển. Cát trên đất giồng có màu vàng, vàng xám đến vàng nâu.
   
  Vùng giồng cát là những dải đất hẹp, mang dấu vết của bờ biển ngày xưa nên các giồng cát chạy song song với vùng ven bờ biển, tập trung ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Tổng diện tích hiện có của các giồng cát ở ĐBSCL là 48.822 ha, chiếm 1,2 % tổng diện tích đất tự nhiên của ĐBSCL.
   
  Hai tỉnh có diện tích đất giồng cát nhiều nhất vùng đồng bằng là Trà Vinh (14.806 ha) và Bến Tre (14.248 ha). Có một số nơi, đất giồng bị lấp chìm dưới lớp đất phù sa, gọi là giồng chìm như ở Gò Công, Tiền Giang.
   
  Lịch sử đã từng khẳng định rằng, khoảng 7.000 năm trước đây, mực nước biển ở ĐBSCL đạt mức ngập lụt cao nhất +5 m, sau đó rút dần và hệ quả là tạo nên loạt giồng cát. Tuy không phải là vùng đất màu mỡ nhưng vùng đất giồng cát là nơi có mật độ dân cư khá đông so với các vùng sát biển do địa hình cao, ít bị úng ngập và đất giồng cát mặc dầu không trồng lúa được nhưng lại là vùng có nước ngọt nhờ hiện diện các vỉa nước ngầm tầng nông lưu trữ nước mưa. Khu vực này phù hợp với canh tác rau màu, cây ăn trái, cây lâm nghiệp và có thể phát triển chăn nuôi gia súc, ươm nuôi thuỷ sản và hình thành các cụm dịch vụ công nghiệp chế biến nông thuỷ sản và tiểu thủ công nghiệp phục vụ cho các khu vực lân cận ven biển.
   
  Do đặc điểm là vùng đông dân, có mức sống tương đối nghèo, sống gần bờ biển, nguồn nước hạn chế vào mùa khô, có tính đa dạng sinh kế cao nên vùng giồng cát được xem là một vùng có hệ sinh thái khá nhạy cảm với các thay đổi về môi trường và các biến động của những yếu tố khí hậu như hiện tượng nắng nóng, bốc hơi cao, hạn hán vào mùa khô, mưa thất thường, lốc xoáy, ảnh hưởng bão – áp thấp nhiệt đới và nguy cơ nước biển dâng – xâm nhập mặn.
   
  Trong khi đó,  đây là khu vực sinh sống của nhiều người dân tộc (Việt, Hoa, Khmer), trình độ học vấn còn thấp nên khó khăn trong triển khai các chính sách và tiến bộ kỹ thuật. Xu thế di dân lên các vị trí cao hơn sẽ dẫn đến nguy cơ giảm diện tích canh tác, cư trú và ản hưởng lớn tới việc hoang mạc hóa đất đai. Chính vì vậy việc tìm ra những mô hình canh tác nông - lâm - ngư nghiệp thích hợp là vô cùng quan trọng.
   
Dựa vào khí hậu, thổ nhưỡng ứng phó BĐKH
   
   Nhóm nghiên cứu đã tổ chức các chuyến đi thực địa các xã có giồng cát ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và Bạc Liêu trong 3 năm (2012 – 2014) nhằm thu thập và phân tích các thông tin từ người canh tác trực tiếp, kiểm chứng qua các tài liệu, báo cáo từ các tổ chức, nguồn dữ liệu trong nước và quốc tế. Nghiên cứu cũng rà soát các tài liệu nghiên cứu về các mô hình triển khai đã có vùng đất giồng cát có địa hình cao hơn các vùng chung quanh, đất có khả năng thấm rút nước mưa cao và giữ được trong lớp nước dưới đất tầng nông. Đặc điểm này vừa tạo điều kiện phát triển đa dạng canh tác, đồng thời cũng là thử thách cho cư dân sống ở đây. Trong quá trình canh tác và ứng phó với thiên nhiên, nhiều mô hình sinh kế hình thành dựa theo đặc điểm đất đai, địa hình, điều kiện khí hậu và yếu tố thị trường.
   
  Vùng đất cao, không bị ngập úng, ít bị nhiễm mặn nên thuận lợi cho canh tác cây màu, chủ yếu là các loại đậu, dưa, hành, rau ăn lá, rau củ, bầu bí… Nhờ ưu thế lượng nắng, lượng mưa dồi dào, vùng giồng cát có thể canh tác liên tục quanh năm, lịch thời vụ có thể thay đổi mềm dẻo theo điều kiện khí hậu và yếu tố biến động thị trường. Vùng giồng cát có thể phát triển các loại cây ăn trái (nhãn, xoài…), cây công nghiệp (dừa, cao cao…) hoặc cây lâm nghiệp (bạch đàn, keo, tre…). Đây là nhóm cây lâu năm chủ lực góp phần giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
   
   Điều kiện giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển, trao đổi nông sản và hàng tiêu dùng với thị trường chung quanh. Có thể phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở quy mô nhỏ và nhờ tận dụng lợi thế thực phẩm thừa từ nông nghiệp. Vùng đất giồng thấp gần biển có đa dạng sinh kế nhờ khả năng tạo dịch vụ ươm nuôi thuỷ sản, cung ứng nghề cá, sửa chữa cơ khí nhỏ, kể cả du lịch.
   
   Vào mùa khô, vùng đất giồng cát bị tác động của nhiệt độ cao, bốc hơi lớn, gió mạnh, mực nước ngầm hạ thấp nên dễ bị khô hạn. Đất thấm rút cũng là nguyên nhân dễ mất nguồn dinh dưỡng và phân bón. Vào mùa mưa, vùng đất giồng bị tác động do các yếu tố thời tiết cực đoan như mưa lớn bất thường, bão và áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy và sấm sét gây thiệt hại về con người, tài sản và hoa màu. Tiến trình nước biển dâng – xâm nhập mặn là nguy cơ khí hậu lâu dài cho vùng giồng cát.
   
  Đây chính là vấn đề cần được xem xét và đưa ra quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế - xã hội các vùng giồng cát ven biển ở ĐBSCL có lồng ghép bối cảnh biến đổi khí hậu trong các quyết định ưu tiên hỗ trợ của địa phương.
   
Minh Vũ 
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng Sông Cửu Long ứng phó BĐKH: Mô hình canh tác cho vùng giồng cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO