An ninh nguồn nước bị đe dọa
TS. Lê Anh Tuấn (Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ) cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL) có 3 nguồn nước chính được khai thác phục vụ sinh hoạt, sản xuất và duy trì hệ sinh thái tự nhiên, đó là nguồn nước mưa, nước mặt và nước ngầm.
Lượng mưa hằng năm ở vùng ĐBSCL biến động trong khoảng 1.400 - 2.200 mm/năm, được xem là tương đối dồi dào. Tỉnh có lượng mưa cao nhất là Cà Mau, tỉnh có lượng mưa thấp nhất là Đồng Tháp. Tuy nhiên, lượng mưa mùa khô chỉ chiếm không đến 10% kéo dài gần 7 tháng, 90% mưa tập trung vào 5 tháng mùa mư.
Bên cạnh đó, mỗi năm vùng ĐBSCL tiếp nhận một lượng nước khổng lồ từ sông Mê Công đổ về, ước tính tổng lượng dòng chảy lên đến 475 tỷ m3 nước/năm. Mùa lũ bắt đầu từ tháng 7, gia tăng dần từ tháng 8 - 9, cao điểm vào tháng 10 và giảm dần vào tháng 11 -12. Bình quân vào mùa mưa, lưu lượng lũ cao nhất là 39.000 - 40.000 m3/giây, gây ngập từ 1,2 đến 1,9 triệu ha. Lũ là hiện tượng tự nhiên xảy ra hàng năm ở ĐBSCL.
Trong khi đó, vào mùa khô, mực nước sông Cửu Long xuống còn rất thấp, lưu lượng bình quân dòng chảy chỉ còn khoảng 1.700 - 2.500 m3/giây khiến nước mặn từ biển tràn ngập làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn. Ngoài ra, hiện tượng nhiễm phèn cuối mùa khô và đầu mùa mưa khiến canh tác và sinh hoạt khó khăn hơn. Ngoài nguồn nước mặt dồi dào, nước ngầm hiện nay là nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng cho các vùng nhiễm mặn ở ĐBSCL. ĐBSCL có cấu tạo địa chất tương đối đơn giản, gồm lớp phù sa cũ nằm dưới lớp phù sa mới, việc khai thác nước ngầm cũng khá dễ dàng.
Tuy nhiên, nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đứng trước nguy cơ an ninh nguồn nước đang bị đe dọa. Báo cáo của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho thấy, khoảng 88% tổng lượng nước mặt của ĐBSCL là do nguồn nước nước lũ từ các nước nằm ở thượng nguồn như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia đổ về. Song, quá trình công nghiệp hóa, mở rộng diện tích tưới cho nông nghiệp và khai thác năng lượng dòng chảy của những nước này đang gây cho Việt Nam nhiều khó khăn.
Đó là chưa kế, các hiện tượng thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến cán cân nguồn nước. Lũ lớn gây nên nhiều thiệt hại về nhân mạng và tài sản, còn làm cho môi trường xấu đi như gây ra các hiện tượng sạt đất, lở núi, xói mòn mạnh vùng dốc và xâm thực ven biển. Trong khi xu thế thiếu nước những năm gần đây gây khô hạn đang đe dọa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng nắng nóng kéo dài và lượng mưa suy giảm khiến tình hình sử dụng nước thêm khó khăn. Điều kiện thiếu nước và nhiệt độ cao đe dọa tình hình cháy rừng. Hiện tượng nước biển dâng cũng làm tài nguyên nước xấu đi về mặt chất lượng. Nguồn nước ngầm ở cũng bị ảnh hưởng như một tác động dây chuyền như giảm mực thủy cấp và nhiễm mặn.
Sản lượng lúa có thể giảm 50%
Theo thống kê của Cục truồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hằng năm ĐBSCL cung cấp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL chiếm 53,4% tổng diện tích gieo trồng lúa cả nước. Mỗi năm, vùng đồng bằng có thể đóng góp hơn 21 triệu tấn lúa trong tổng sản lượng khoảng 41 triệu tấn lúa của cả nước, (chiếm tỷ lệ trên 51% lượng lúa gạo quốc gia).
Tuy nhiên, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn cảnh báo, vào khoảng giữa thế kỷ 21, sản lượng lúa vùng ĐBSCL có thể giảm 50%. Một trong những nguyên nhân ấy là do nhiệt độ tăng cao, mưa diễn biến bất thường và các thiên tai khác khiến nguồn nước bị suy giảm không đủ để cung cấp cho cây lúa hiện nay.
Vẫn theo Cục Trồng trọt, lúa là một loài thực vật cần nhiều nước để sinh trưởng, khi nguồn nước cung cấp cho cây lúa bị hạn chế đến một mức giới hạn theo một thời đoạn kéo dài nào đó thì sự sinh trưởng của cây lúa sẽ bị ảnh hưởng.
Theo phương thức canh tác cổ truyền, muốn có 1 kg lúa mì thì phải cung cấp khoảng 2.500 lít nước tưới và để có 1 kg gạo thì cần một lượng nước khoảng 4.000 - 5.000 lít, tuỳ theo giống lúa canh tác, loại đất trồng và phương thức tưới. Lương thực của một quốc gia không chỉ là lúa gạo mà còn các nguồn thực phẩm khác như rau màu, cây ăn trái, gia súc, gia cầm.
Tính toán sơ bộ cho thấy, với diện tích gần 3,9 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, ĐBSCL có nhu cầu nước gần 21 tỷ m3. Chính vì thế, trước những thách thức đặt ra đối với nguồn nước trong khu vực, ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ thiếu nước lớn để cung cấp cho ngành nông nghiệp.
Giải pháp được đặt ra hiện nay, theo các chuyên gia, lưu vực sông Mê Công nói chung và vùng ĐBSCL cần có sự quản lý nước trong lưu vực thống nhất thay vì sử dụng nước theo nhu cầu cục bộ và riêng rẽ như hiện nay. Liên quan đến tìm kiếm và xác định biện pháp thích nghi với suy giảm tài nguyên nước và biến đổi khí hậu cho người dân vùng ĐBSCL, cần thiết phải có sự phối hợp biện pháp giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân để duy trì sự bền vững an ninh lương thực cho đất nước.
“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”